tháp xây bằng gạch đỏ

Tháp Chót Mạt 5/5

Ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh

Di tích lịch sử văn hóa 1993

Tháp Chót Mạt nằm ở giữa một đồng lúa. Ngọn tháp không quá cao lớn này từ xa bị lấp dưới những lùm cây. Đi theo con đường hai bên trồng hai hàng cây để vào cổng chính của tháp.

Quần thể tháp xây từ cuối thế kỷ VII, đầu thế kỷ VIII này chỉ còn một ngọn tháp phía Nam và phế tích của ngọn tháp phía Bắc. 

Vật liệu xây bằng gạch nung. Dựa trên màu sắc có thể phân biệt được gạch xây ban đầu và gạch trùng tu. 

Theo tôi công tác trùng tu khá có tâm khi cố gắng mang lại nguyên trạng tháp ban đầu. 

Bên ngoài tháp trang trí hoa văn và những hình người có lẽ là những vị thần linh. 

Những người thợ xây đền từ thế kỷ VII đã làm đời nay thán phục ở bí quyết xây gạch khít chặt vào nhau không một khe hở và ở những hình nổi trên gạch tinh xảo. 

Bên trong tháp A trống rỗng, không còn gì. Không gian tối và âm u dưới vòm trần gạch xây vút lên cao. 

Ngọn tháp phía Bắc thì chỉ còn là một phế tích. Ở ngọn tháp phía Bắc có một hàng các bệ đá như kiểu Linga Yoni. 

Chúng tôi đi xe máy theo các con đường đất nhấp nhô vào khu vực có ngọn tháp. Xung quanh mênh mông là ruộng sắn.

Con đường dẫn vào tháp có hai hàng hoa đại hai bên. Mùi hương hoa thơm nhẹ trong không khí. 

Khi chúng tôi tới đây thì trời đã về chiều. Có ba cô gái nhỏ tầm học cấp hai đang ngồi chơi ở cạnh tháp. Các cô bé đang được nghỉ hè ra tháp chơi chụp ảnh. Các cô rất dễ mến, rất lễ phép và thân thiện. 

Tháp Chót Mạt rất ấn tượng bởi sự cổ kính, vẻ đẹp chân phương và không gian yên bình xung quanh.