các cô gái mặt áo dài

Quay trở lại thời xa vắng ở Việt phủ Thành Chương

Địa chỉ: xã Hiền Linh, huyện Sóc Sơn

Đâu rồi tuổi thơ?

Tuổi trẻ của chúng tôi là những năm 80-90. Khi ấy chưa có những tòa cao ốc chọc trời như bây giờ. Hà Nội khi đó còn rất nhiều ao hồ và đồng ruộng. Phần lớn chúng tôi đi học bằng xe đạp. Những chuyến đi rất xa ngày ấy là đi dã ngoại ở Sóc Sơn. 

Thủa nhỏ, tôi ở quê với ông bà nội. Mùa gặt, lúa phơi đầy ngõ. Vui rộn ràng.

Sau này, mỗi lần về thăm quê, qua cổng làng là tới ao làng. Những ngôi nhà một gian hai chái. Bậu cửa gỗ cao, mái lợp ngói đỏ, sân lát gạch Bát Tràng là hình ảnh cuộc sống ấm no. 

Chẳng thế mà trong bài Ngói Mới chúng tôi từng học, nhà thơ Xuân Diệu nức nở một niềm vui

Khắp nơi, trên những đường tôi đi

Tôi đã nghe xao xuyến, rầm rì: Ngói mới

Trên những đường tôi dạo, tôi qua

Tôi đã nghe nhiều, những khúc ca: Ngói mới

Ngày nay, diện mạo làng quê, phố phường đã đổi thay nhanh chóng. Những ngôi nhà lợp ngói đỏ nhanh chóng biến mất, nhường chỗ cho những cao ốc chọc trời lạnh lẽo. Hai bên đường nhà nhà mọc lên, làm gì còn hình ảnh làng quê, ao hồ.

Có một cách rất hay để trở về với miền ký ức tuổi thơ. Đó là tới thăm bảo tàng ngoài trời về kiến trúc làng quê Việt Nam. Việt Phủ Thành Chương, chỉ cách Hà Nội chừng hơn 30km.

Bảo tàng kiến trúc ngoài trời? 

Việt Phủ Thành Chương là một bộ sưu tập tư nhân lớn về kiến trúc, cảnh quan của một thời đã qua. Không hiếm hiện vật là từ những năm 80-90 khi chúng tôi còn trẻ. 

Một bộ sưu tập đồ sộ trong một không gian không quá lớn, khoảng 8000 m2. 

Chủ nhân của công trình, họa sĩ Thành Chương. Người đã sắp đặt khéo léo, thẩm mỹ các hiện vật để tránh được cảm giác, chật chội, nhàm chán. Cuộc sống tái hiện sinh động chứ không đơn thuần là sự trưng bày đơn điệu.

Cũng có thể thấy, chủ nhân đã dùng rất nhiều thời gian, tiền bạc. Hơn thế nữa là sự đam mê cho công trình này.

Việt Phủ Thành Chương có nhiều khu trưng bày. Các hiện vật ở đây khá độc đáo và có giá trị lịch sử. Khi ngắm nhìn một số đồ vật tôi có cảm giác những cổ vật này còn cổ xưa hơn một số hiện vật mới toanh trong một số ngôi đình – đền – chùa mới trùng tu. Một cổ vật thật sự sẽ mang tới cảm xúc cho người thăm quan. 

Xưa kia những công trình kiến trúc và nét trang trí thuần việt được làm từ gạch, ngói, gốm, gỗ, tre thật gần gũi với thiên nhiên. Trong những ngôi nhà từ những vật liệu này thật là mát mẻ ngay cả trong những trưa hè nóng bức.

Tôi rất thích hình ảnh những chú ễnh ương ở khắp nơi nơi. Hoa phượng đỏ rơi trên mái ngói, cây đa cổ thụ, tiếng ve, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng ễnh ương, chính là những giọt ký ức tuổi nhỏ một thời.

Việt Phủ Thành Chương có khá nhiều góc chụp ăn ảnh. Có lẽ những tà áo dài được tôn nét đẹp lên nhiều lần trong vẻ cổ kính rêu phong ở đây. 

Việt Phủ Thành Chương không những là bảo tàng mà còn là điểm tham quan du lịch. Ở đây cũng có dịch vụ nhà hàng, ăn uống, cà phê, cửa hàng bán đồ lưu niệm ….

Giá vé vào thăm nơi đây cũng khá cao. 160k/một vé người lớn. 

Tôi liên tưởng tới giá vé một số điểm thăm quan những di tích quốc gia như Tháp Đôi, Tháp Bánh Ít. Giá vé vào thăm chỉ khoảng 15k/người. Có lẽ, giá vé này chỉ đủ cho việc dọn dẹp cơ bản di tích, chưa bao gồm tu bổ trùng tu. Khách tham quan có lẽ sẵn sàng trả thêm cho mục đích bảo tồn di tích.

Nên có thêm nhiều bộ sưu tập tư nhân như Việt Phủ Thành Chương để giới thiệu tới công chúng những tác phẩm sưu tầm phong phú.

Nếu có duyên bạn còn có thể thấy chủ nhân của Việt Phủ tha thẩn đi lại ngoài sân để có cảm hứng cho các tác phẩm mới.

Duyên hơn nữa là gặp các tà áo dài điểm tô cho Việt Phủ 🙂

Những bức ảnh ấn tượng chụp ở Việt Phủ Thành Chương

Đi qua cổng vào Việt Phủ Thành Chương là đi về miền quá khứ
Nhà hát múa rối trong biệt phủ Thành Chương
Nhà hát Múa rối trong biệt phủ Thành Chương

nhà ngói, bàn ghế gỗ
Ngôi nhà cổ trong biệt phủ và hình ảnh chú Tễu
nhà lợp mái lá, trước nhà là giếng
Lão Hạc đang ngồi cạnh chú chó vàng thân yêu của lão trước cửa nhà
Gặp gỡ với họa sĩ Thành Chương…

Gặp gỡ hai nhân vật kinh điển của nhà văn Nam Cao là Chí Phèo và Thị Nở ngay trong vườn