Nhật ký về đại dịch Covid-19

Nhật ký về đại dịch COVID-19

Bệnh viện thời COVID-19: bệnh nhân không dám tới bệnh viện vì lo lây bệnh

Ngày 1/2/2020 sẽ là một ngày đáng nhớ nhất trong 2020 với tôi và nhiều người Việt Nam. Ngày này, đại dịch Covid-19 được chính thức công bố. Lần đầu tiên, có một bệnh dịch lây lan rộng trên toàn cầu và thu hút dư luận tới vậy. 

Bệnh do Covid-19 đã làm đảo lộn nhiều thói quen, nếp sống và nhiều điều tưởng như “bất di bất dịch”. Tôi chắc rằng ngay cả khi hết dịch, Covid-19 cũng sẽ để lại “dấu ấn” dài lâu trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống xã hội ở Việt Nam. 

Từ 1/4 tới 15/4 là thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16/CT-TTg. Riêng HN là địa phương có nguy cơ cao còn kéo dài thêm tới 0 giờ ngày 23/4. Những bức infographic của thời kỳ này là tư liệu khi nhìn lại vẫn cảm thấy khó tin.

Giãn cách xã hội theo chỉ thị 16/CT-TTg

Trong bài viết này, tôi tự tổng hợp một số thông tin về Covid-19 để nhớ mãi không quên về đại dịch khủng khiếp do con virut siêu nhỏ này gây ra. 

1. Covid-19 là bệnh gì?

Bệnh do virus corona chủng mới gây ra, được cho là có nguồn gốc từ động vật. Dường như sự xuất hiện của virus này có liên quan tới dơi và tê tê và truyền qua người bởi thói quen tiêu thụ thịt các động vật hoang dã. Phương thức truyền bệnh từ người sang người chủ yếu qua các giọt dịch hô hấp mà người mắc bệnh ho hoặc hắt hơi. 

P/S: Điều mà tôi mong muốn sau dịch Covid-19 là con người bỏ thói quen tiêu thụ động vật hoang dã và có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.

2. Covid-19 gây bệnh nhẹ hay nặng và có gì đáng sợ?

Áp phích hướng dẫn thực hiện giãn cách xã hội

Theo WHO, Covid-19 đáng sợ chính vì gây bệnh nhẹ nhưng có khả năng lây lan nhanh chóng mặt. 

Thật vậy, khoảng 80% số trường hơp mắc Covid bị bệnh nhẹ. Các triệu chứng xuất hiện muộn, thậm chí không có triệu chứng. Các triệu chứng xuất hiện sau khi bị nhiễm virus từ 3-7 ngày, nhưng cá biệt sau tới 14 ngày.

Những người mắc bệnh mà không biết lại đi ra ngoài tiếp xúc rộng rãi với cộng đồng và gây lây lan diện rộng. Khi quá nhiều người mắc bệnh thì ngành y tế sẽ bị quá tải.

Vấn đề còn ở chỗ, bên cạnh những trường hợp bệnh nhẹ có thể tự khỏi thì có khoảng 15% ca bị bệnh nặng và 5% ở tình trạng nguy kịch, có thể tử vong. Khi quá tải, ngành y tế khó có thể dành đủ nguồn lực cho những ca nặng và nguy kịch.

3. Các biểu hiện của bệnh COVID-19 là gì?

Người bệnh thường có các biểu hiện giống như bị cúm gồm sốt, ho, khó thở, mệt và đau cơ. Trường hợp nặng, coronavirus tấn công phổi, thận, ruột… và có thể gây tử vong. 

Do sự lan tràn nhanh và hậu quả nặng nề của bệnh nên vào ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Thời điểm công bố này, theo nhiều ý kiến, là quá muộn khi dịch đã khó kiểm soát. Sau này, đây chính là vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ của WHO với Mỹ và nhiều nước khác. 

4. Những người có nguy cơ cao trong đại dịch COVID-19 là ai?

Phần lớn những ca mắc nhẹ có thể tự khỏi bệnh khi thực hiện cách ly xã hội nghiêm ngặt và tự chăm sóc bản thân. Bên cạnh đó, cũng có những người có nguy cơ cao khi nhiễm virut cần sự giúp đỡ của xã hội. Việc lập danh sách và quản lý những ca này là cần thiết. Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, bệnh nguy hiểm nhất với những người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), người có bệnh mãn tính (như tim mạch, đái tháo đường, hô hấp) và người có bệnh tự miễn.

Thời Covid cũng làm nổi bật lên những phẩm chất tốt đẹp của người Việt là tinh thần tương thân tương ái. Những chiến sỹ áo trắng là những anh hùng thời mới được xã hội tôn vinh.

Xem link tới các bài báo viết phân tích nguy cơ với người đái tháo đường và làm thế nào để kiểm soát đường huyết.

Xem video để biết các chính sách của VN về vấn đề này.

5.Đeo khẩu trang, Rửa tay, Đo nhiệt độ, đứng cách 2 mét là quy chuẩn trong thời COVID-19

Đo nhiệt độ khi ra vào tòa nhà văn phòng

Không ai ra đường mà không đeo khẩu trang. Phạt nóng 300k luôn và ngay. Ra đo nhiệt độ, vào đo nhiệt độ. Rửa tay thường xuyên. Hình ảnh những buổi họp chính phủ với khẩu trang kín mặt, trả lời phỏng vấn cũng đeo khẩu trang. Ở Việt Nam, những điều này là đương nhiên, được sự chấp hành nghiêm túc 🙂

Vậy mà ở nhiều nước, như ở thủ đô Viên của nước Áo, người dân đi biểu tình để chống các biện pháp giãn cách xã hội của chính phủ. Họ cho rằng vi phạm quyền tự do của họ. Thời Covid cũng thể hiện rõ sự khác biệt về lối sống, lối suy nghĩ của người dân ở các nước trên thế giới.

6.Nỗi sợ lớn nhất thời COVID là gì?

Theo ý kiến cá nhân tôi thì một trong những nỗi sợ lớn nhất thời COVID-19 là bị phát hiện dương tính với virut. Chế tài cách ly ngay lập tức, truy suất nguồn gốc bệnh, lập bản đồ F0, F1, F2, F3, F4, thông tin cá nhân chia sẻ qua mạng xã hội và truyền thông sẽ là những hệ lụy khi ai đó có kết quả xét nghiệm dương tính với virut. Đó là những biện pháp rất khẩn trương, rất mạnh và quyết liệt để ngăn ngừa virut lây lan trong cộng đồng. Những biện pháp đó cũng có tính răn đe mạnh để người người tự tìm những biện pháp tốt nhất để phòng tránh virut cho gia đình và bản thân. 

Bài tổng quan này sẽ thiếu nếu không nhắc tới sức mạnh của truyền thông thời COVID-19.

Hình ảnh chiếc xe hóa chất khử khuẩn bệnh viện Bạch Mai đêm ngày 28/3 thật khó quên. Những người lính đeo mặt nạ chống độc phun hóa chất từ những chiếc xe vòi rồng giống như từ một bộ phim viễn tưởng. Thật khó tin đó lại là sự thật. Xin dành sự cảm phục cho các bác sỹ, cán bộ y tế của Bạch Mai.

 7.Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới kinh tế như thế nào?

Các cửa hàng cửa hiệu đóng cửa thời Covid-19

Con virut nhỏ bé này lại là một thảm họa đối với kinh tế toàn cầu.  Việt Nam không là ngoại lệ. Xuất nhập khẩu, buôn bán hàng hóa ngừng trệ, biên giới đóng cửa, các chuyến bay không cất cánh. Số doanh nghiệp bị phá sản do đại dịch cao dẫn tới việc nhiều người mất việc làm. Người làm việc văn phòng như chúng tôi làm việc tại nhà (WFH). Chính phủ trợ giúp doanh nghiệp, người lao động để vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, sự trợ giúp này khó đủ để vực dậy cả nền kinh tế. Hình ảnh các thành phố vắng tanh và các cửa hàng đóng cửa trở thành quen thuộc trong thời Covid-19.

8.Đại dịch Covid-19 và môi trường

Những con đường vắng tanh thời Covid-19

Thời tiết trong năm Covid-19 rất lạ, khác với mọi năm. Giống như đã có điềm báo trước. Ngày 30 Tết, trời mưa đá to khủng khiếp. Thời tiết những tháng sau đó không giống mọi năm. Ở Hà Nội, nhiều ngày mưa xen những ngày mát mẻ. Tháng tư rồi mà thời tiết vẫn rất mát mẻ dễ chịu. Như mọi năm thì đã bắt đầu oi ả vào hè. Những con đường vắng tanh không bóng người. Sự vắng vẻ của HN những ngày này giống những ngày sau Tết. Thời tiết thật tuyệt vời. Những làn gió trong và không khí trong vắt ghi điểm môi trường trong thời Covid. 

Xem video về Hà Nội thời Covid

P/S: Mong rằng đối với những hành vi xả rác và phá hoại môi trường cũng sẽ có những chế tài nghiêm khắc và quyết liệt. Sự tàn phá với môi trường nào có kém nguy hiểm hơn so với các hành vi vi phạm quy định chống COVID-19?

9.Ai là những người hưởng lợi trong thời đại dịch Covid-19?

Không phải tất cả mọi doanh nghiệp, mọi người dân đều bị thiệt hại trong thời Covid. Covid là cơ hội cho môi trường số phát triển mạnh mẽ.

Các trường học đóng cửa, học sinh phải nghỉ học ở nhà. Chúng học bài trên mạng cùng các thầy cô. Một thế hệ trẻ được làm quen với cuộc sống số từ rất sớm do Covid.

Cách ly xã hội đã buộc mọi người phải tìm đến việc sử dụng các công cụ số. Trong môi trường số trăm hoa đua nở, bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư sẽ trở thành bài toán nan giải hơn bao giờ hết. :-).

Link tới một bài viết rất hay về ảnh hưởng đa chiều của việc số hóa thời COVID-19.

25 April 2020.