Giờ mở cửa: 04:00-22:00
Admission: 10.000 kyats
Thời gian: ít nhất 1/2 ngày
Một chuyến thăm Yangon sẽ rất không đầy đủ nếu chưa ghé thăm Shwedagon, ngôi chùa phật ấn tượng nhất trong số các ngôi chùa thờ phật tôi có dịp thăm quan. Đầu tiên phải kể tới lịch sử của ngôi chùa này. Thời gian xây dựng được cho là trong khoảng từ thế kỷ 6 tới thế kỷ 10. Theo truyền thuyết, ngôi chùa này là nơi lưu giữ 8 sợi tóc của phật thích ca (Lord Gautama) từ 2.500 năm trước và thánh tích của 3 vị phật khác nữa. Truyện kể là ngày xửa ngày xưa ấy (588 BC) có hai anh em thương gia là Tapussa và Balika từ từ vùng đất Okkalapa đã gặp được đức phật thích ca và được ngài ban cho 8 sợi tóc để làm kỷ vật. Trở về, hai anh em đã gặp được minh quân sùng đạo là vị vua trị vì xứ Okkalapa, người đã cho xây chùa để lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng này và để cho tất cả mọi người đều được tới cầu nguyện. Chùa lúc đầu xây còn nhỏ và thấp, sau mỗi lần trùng tu lại lớn và cao dần lên. Các nhà hảo tâm đóng góp cho chùa xây thêm các tháp lớn nhỏ vòng quanh và hiến thêm tượng phật thờ.
Thế kỷ 9-13 là thời kỳ phật giáo phát triển cực thịnh tại Châu Á. Tại nhiều nơi như Yogja, Angkor, Yangon, Bankok ta có thể tìm thấy rất nhiều chùa thờ phật lớn nhỏ. Tuy nhiên, điều ít người tranh cãi là Shwedagon là ngôi chùa phật đắt giá nhất, sáng lấp lánh nhất mà con người tạo ra. Shwedagon là chùa phật thiêng liêng nhất ở Myanmar, điểm hành hương hằng năm của các tín đồ phật giáo trong nước và khu vực.
Đúng vậy, Shwedagon không là một ngôi chùa bình thường mà là một kho báu của quốc gia đứng sừng sững giữa thành phố 7 triệu dân mà không có bất kỳ két sắt và khóa sắt nào bảo vệ. Đắt giá nhất là phần đỉnh tháp có một quả cầu trang trí bằng 4351 viên kim cương (viên to nhất nằm trên đỉnh tháp 76 carat). Một lá cờ nhỏ bằng vàng ròng nặng 419kg trang trí bằng khoảng 2000 viên đá quý. Một ô ở dưới nặng khoảng 5 tấn, trang trí bằng 500kg vàng, và 83850 viên đá quý.
Lòng mộ đạo và sự hảo tâm của người dân Myanmar
Shwedagon là minh chứng rõ rệt về lòng mộ đạo, sự hảo tâm đóng góp của toàn dân, của hoàng gia (trước đây), của chính phủ. Phật giáo chính là giá trị tinh thần vững chắc tạo nên giá trị đất nước, gắn kết toàn dân tộc. Người dân Myanmar, một khi còn được cầu nguyện trong ngôi chùa này, tràn ngập các suy nghĩ tích cực với hy vọng vào tương lai thịnh vượng và tươi sáng.
Nhưng vì sao Shwedagon lại được dát vàng, trong khi đó nhiều chùa khác thì không? Từ thế kỷ 15, phát triển mạnh mẽ phong trào dát vàng các stupa. Khi lên cầm quyền, Hoàng hậu Shinsawbu hiến một khối vàng bằng đúng trọng lượng cơ thể của bà. Khối vàng này được dát mỏng lên stupa. Con rể của bà còn đi xa hơn thế với việc hiến khối vàng bằng 4 lần trọng lượng cơ thể của ông và vợ ông cộng lại. Vàng lại tiếp tục được dát mỏng lên công trình. Shwedagon kể từ đó với sự đóng góp của các nhà hảo tâm không ngừng được xây cao và mở rộng tới kích thước ngày hôm nay.
Hoành tráng là thế, long lanh là thế nhưng Shwedagon không tránh khỏi long đong trong thời kỳ chiến tranh với quân Anh. Nghe nói có một số quả chuông bằng vàng khối bị lấy cắp để nấu chảy ra vàng. Các cuộc động đất lớn năm 1930, và gần đây nhất là 2016 ở Myanmar cũng để lại tổn thất vật chất cho ngôi chùa này.
Tới thăm Shwedagon ta còn được xem kiến trúc truyền thống của Myanmar, nghệ thuật khắc gỗ, sơn mài, đúc tượng, dát vàng lá rất tinh xảo.
Ancarine Beach Resort 4/5 Địa chỉ: Tổ 3, ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, Phú…
Đình, chùa Gióng Mốt: 3/5 Vị trí: 2XP6+3HJ, Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội Chủ…
Chúng tôi tới Helsinki vào những ngày đầu tháng 10. Thời tiết cuối thu đầu…
Thái tử Đan Mạch Frederick và công nương Mary Elizabeth sang thăm Việt Nam từ…
Đình Bình Minh Địa chỉ: tổ dân phố Bình Minh, thị trấn Trâu Quỳ, huyện…
Địa chỉ: Xã Thanh Tân, Tây Ninh Ma Thiên Lãnh một thung lũng nằm dưới…