Săn mây ở Tà Xùa mù sương

“Săn mây” là một khái niệm rất mới mà chúng tôi có cơ hội tìm hiểu trong chuyến đi săn mây ở Tà Xùa cuối tháng 2 năm COVID 2021.

Tà Xùa là một xã vùng núi phía bắc nằm ngay tại ranh giới hai tỉnh Sơn La và Yên Bái.

Xã nghèo vùng cao heo hút chỉ có 3000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc H’Mông. Tà Xùa bị/được làn sóng du lịch “phượt” đánh thức trong những năm gần đây. Hóa ra, Tà Xùa nghèo, heo hút, quanh năm sương mù không rõ mặt người lại có một tiềm năng/thế mạnh du lịch đặc biệt. Đó là mây.

mây trắng và núi
Mây, đặc sản của Tà Xùa

Thật vậy, Tà Xùa có dãy núi cao chạy giữa thung lũng sâu chính là địa hình để ngắm mây và săn mây lý tưởng. Mây được giữ lại trong thung lũng, được chiếu sáng bởi ánh nắng mặt trời, bồng bềnh bay giữa một vùng núi non trùng điệp, bên dưới là rừng xanh và những thửa ruộng bậc thang. Còn trải nghiệm nào thú vị hơn.

Chúng tôi đã nhiều lần được ngắm mây từ máy bay trên không trung. Những cụm mây trắng lơ lửng như bông gòn đính hờ trên tấm màn thưa chăng giữa trời xanh trên cao và làng mạc thành phố đại dương ở phía dưới. Nhưng còn cảm giác được đi trong mây/xuyên qua mây/đứng trong mây, tôi chưa từng trải nghiệm cho tới chuyến đi săn mây ở Tà Xùa.

Có săn được mây không sẽ là câu hỏi tiếp theo cho hành trình của chúng tôi?

Trước hết thì săn mây là câu chuyện gặp may. Nắng mưa là chuyện của trời, đâu có thể chắc chắn thành công được. Để săn được mây, trước hết phải có mây để săn.

mây ở Tà Xùa
Liệu có mây để săn?

Điều kiện lý tưởng là nhiệt độ ban đêm trong khoảng từ 3-22 độ C, nghĩa là không quá lạnh để chỉ có băng và không quá nóng để mây tan hết. Lý tưởng hơn nữa là hôm trước có mưa phùn nhỏ để có lượng hơi nước trong không khí nhiều hơn. Tiếp theo là ngày hôm sau phải khô ráo và có nắng, đảm bảo ngắm mây và chụp ảnh mây. Ánh nắng mặt trời sẽ làm các cụm hơi nước bốc lên và cụm lại thành những đám lớn bốc lên cao. Khi đó, chúng ta sẽ có phản mây, biển mây dưới bầu trời xanh và các tia nắng mặt trời.

Sau cùng, để leo lên được sống lưng khủng long hiệu quả, các con đường đất phải khô ráo. Nếu nhiều mưa trước đó thì các con đường sẽ rất lầy lội, khó đi.

Nhưng cuối cùng vẫn cần sự may mắn vì nắng mưa là chuyện của trời.

Vậy là, sau chuyến đi này, hành trang kiến thức về săn mây của chúng tôi đã đầy đặn hơn rất nhiều.

Khởi hành tới Tà Xùa

Buổi sáng ngày khởi hành từ Hà Nội có đợt không khí lạnh tràn về. Trời mưa phùn nhẹ, không khí ẩm ướt. Với hành lý siêu đơn giản và gọn nhẹ, chúng tôi lên đường đi tour săn mây ở Tà Xùa.

Hướng dẫn viên du lịch là một thanh niên trẻ măng xi lô có chiều cao trên 1.8m và một tài xế cũng khá trẻ. Sau chúng tôi mới biết là tài xế này lái cung Tà Xùa chuyến đầu tiên. 🙂

Xe đón chúng tôi từ Vincom Nguyễn Chí Thanh thẳng tiến tới Phú Thọ theo đại lộ Thăng Long, dừng chân ăn sáng ở ngã tư Hòa Lạc, rồi ngang qua vườn QG Ba Vì, khu di tích Đá Chông K9, cầu Đồng Quang bắc qua sông Đà.

Cũng nói thêm chút từ các thợ săn cùng đoàn. Sau chút e dè ban đầu, các thành viên bắt đầu trò chuyện rôm rả. Hóa ra chuyến đi này có khá nhiều người yêu phượt đã từng chinh phục nhiều đỉnh núi trong và ngoài Việt Nam. :-)))

Từ Hà Nội tới Tà Xùa, con đường ngắn nhất là qua Phú Thọ với khoảng cách là 200km theo quốc lộ 32.

Tà Xùa mù sương

Gần tới Tà Xùa bạn sẽ ngày một thấy rõ hơn làn sương mù bao phủ. Khi tới Tà Xùa thì làn sương mù này đã thành sữa đặc. Đặc quánh tới nỗi tầm nhìn trở nên rất ngắn.

Mới có 5 giờ chiều!

Dễ dàng nhận thấy Tà Xùa là thiên đường của các phượt thủ. Chốc chốc lại có một đoàn xe máy các kiểu loại phong phú (phân khối lớn, xe cào cào, xe vespa cổ, etc) bật đèn, rú ga phóng qua.

Chúng tôi đi dạo quanh một vòng ở xã Tà Xùa. Đoạn đường ngắn, chìm trong mù sữa đặc, lác đác khách bộ hành. Một cây đào rừng hiếm hoi tuyệt đẹp ở bên đường. Cây trĩu hoa khiến khách qua đường nào cũng phải dừng lại làm vài bức ảnh check in.

Những người dân tộc H’Mông váy áo sặc sỡ cũng đang bận rộn chuẩn bị đón khách ở các quán ăn bên đường. Họ đốt củi, ướp gà chuẩn bị món gà nướng “mọi”.

Khu trung tâm xã Tà Xùa là một đơn vị hành chính thu nhỏ.

UBND xã, trường học, nhà nghỉ, quán ăn, quán cà phê. Lượng khách đông đảo đã đánh thức Tà Xùa. Khá nhiều homestay, quán ăn, quán cà phê đang gấp rút dựng xây.

Tà Xùa giống như Sapa “xưa” hàng chục năm về trước. Độc đáo, hoang sơ, hùng vĩ, kỳ bí…Tà Xùa đang từng ngày đổi thay để trở nên một Sapa “ngày nay” trong một tương lai rất gần.

Sau bữa ăn tối nhanh với lẩu gà đen, chúng tôi lại dạo quanh Tà Xùa một lần nữa. Mới có 7 giờ tối mà đã không thể nhìn thấy gì qua làn sương mù dày đặc. Tầm nhìn 30m là tối đa. Thi thoảng, lại nghe tiếng động cơ xe máy tiến tới gần và ánh đèn pha trong sương.

Mới đi một vòng mà tóc tai ướt đẫm.

người, sương mù và cờ
Đặc sản sương mù ở Tà Xùa

Tôi có cảm giác đang ở chốn no-where. Ta có thể đi xuyên qua màn sương, tan biến trong sương và qua luôn một thế giới khác.

Cảm giác này hơi chênh vênh nhưng lạ lẫm và phấn khích.

Tôi chỉ bị kéo trở lại thực tại khi đi qua một số tụ điểm quán ăn và homestay. Tiếng ồn ã nói cười và tiếng nhạc sôi động nhắc ta đang ở đâu.

Có điện, nước, sóng di động đã là điều rất lớn lao ở Tà Xùa. Đêm Tà Xùa tại homestay A Pàng không có điều hòa và máy sưởi. Cái lạnh dịu dịu và không khí trong lành là bí quyết ngủ ngon.

Đoàn thợ đi săn mây

5 giờ sáng hôm sau, chúng tôi đã khởi hành đi săn mây. Hành trình hôm nay là một đoạn đường dài 15 km. 13 cây số đầu đi ô tô và 2 km sau đi bộ trên sống lưng khủng long.

Thử thách thứ nhất là tới điểm ngắm sương an toàn. Đường ngập trong sương mù khiến ta không thể nhìn thấy gì ở đoạn đường phía trước. Đường lại rất khó đi. Một bên là núi đá và một bên là vực sâu thăm thẳm. Nghĩ lại vẫn sợ và phục tay lái vững vàng của lái xe. Lần đầu đi cung này cần tay lái rất cứng và sự tập trung cao độ.

Xe đã tới điểm ngắm mây an toàn trong tiếng vỗ tay của cả đoàn. Thở phào nhẹ nhõm.

Lúc này, các đoàn xe phân khối lớn và một số xe con cũng vừa trờ tới. Các thợ săn tập trung quanh những bếp lửa hơ tay, ăn sáng, chờ mây lên và trò chuyện rôm rả. Các lựa chọn quanh bếp lửa là các món xôi, thịt nướng, ngô nướng, trứng luộc, trứng nướng. Chủ quán là một cặp vợ chồng người HMong. Vừa làm vừa nhanh nhẩu tiếp chuyện đoàn, cô vợ cho biết hai vợ chồng có những 4 cô con gái nhỏ.

Vũ khí của các thợ săn đã lên nòng sẵn là những chiếc máy ảnh ống kính dài ngắn đủ kiểu. Chuyên nghiệp hơn thêm tripod. Những người amateur lăm lăm những chiếc điện thoại thông minh :-)))

Trong lúc chờ đợi, chúng tôi tranh thủ nói chuyện với các thợ săn khác. Có người đã tới đây không dưới 10 lần! Người khác đi từ Đà Lạt tới đây để ngắm mây.

Tại điểm ngắm mây, có khá nhiều chòi gỗ dựng lên cho khách nghỉ. Công cuộc săn mây thường kéo dài hàng giờ.

Nếu không muốn dậy sớm có thể chọn ở Homestay hoặc cắm trại tại điểm này. Các thanh niên Yomost còn cắm trại luôn trên sống lưng khủng long chờ ngắm bình minh.

Bên cạnh những công trình gỗ lá, còn có nhiều homestay kính, bê tông đang chuẩn bị khai trương. Một quả đồi đã được san phẳng ở đoạn đầu đường, chuẩn bị đón một resort mọc trên nóc.

6:30: mây lên, những luồng mây trắng như có chân bò/tràn vào thung lũng. Làn sương như sữa đặc lại che mờ, bao phủ núi cao. Tất cả mọi người đều trở nên phấn khích.

Mỗi khi có gió thổi, làn mù lại loãng ra để lộ sống lưng khủng long mờ ảo.

Chinh phục sống lưng khủng long

đường mòn trên núi
Sống lưng khủng long ở Tà Xùa

Từ điểm dừng chân, chúng tôi đi đường bộ lên sống lưng khủng long. Đoạn đường 1.5km này đường rất khó đi vì là đường đất. Đoạn hẹp nhất chỉ có tầm 1 mét. Chúng tôi đang chênh vênh trên một dẻo đất chỉ tầm 1m, hai bên là thung lũng sâu những 1300m. Dải đất hẹp này nhìn từ xa không khác gì đốt sống lưng của một con khủng long khổng lồ.

Ngoài đi bộ thì cũng có thể đi xe máy trên sống lưng khủng long. Những người dám chọn hình thức này trước hết là những người dân tộc H’Mông sinh sống ở đây. Họ chở khách lên và xuống núi một cách điệu nghệ. Các thượng đế tim đập chân run khi xe lướt như bay trên những con đường đất hẹp, trơn nhẫy. Mắt nhắm nghiền không dám nhìn ra phía vực sâu.

Những phượt thủ xe đua thì coi đây là trò chơi cảm giác mạnh. Không dễ dàng gì với chiếc xe phân khối lớn đi trên sống lưng khủng long đâu nhé. Và rất rất nguy hiểm!

Chuyến săn mây có thể nói là thành công

người và mây
Săn được chút mây ở Tà Xùa

Đi săn mây cần phải kiên nhẫn chờ đợi. Chờ khi có mặt trời lên để mù tan ra và để có ánh sáng tốt để chụp ảnh. Khi mù tan thì phải tận dụng các khoảnh khắc để săn những bức ảnh đẹp. Cũng lại phải nhanh tay vì các đám mây biến hình biến dạng rất nhanh. Không máy ảnh nào có thể bắt kịp sự chuyển động liên tục của các đám mây.

Tốt nhất là hãy buông máy ảnh, và chỉ ngồi ngắm mây thôi, bạn sẽ cảm nhận được thiên nhiên hùng vĩ bằng cảm xúc không lời.

Nắng đã lên và mây đã tan. Lúc 10 giờ sáng, chúng tôi kết thúc chuyến đi săn mây và trở về check out. Chuyến đi, tuy kết quả vẫn còn chưa thật như ý, nhưng cũng không tới nỗi không săn được gì. Hàng ngàn bức ảnh để đời đã lưu vào bộ nhớ. Không quên sống ảo, trong đoàn có chị mang tới 5 bộ váy áo các màu sắc để chụp hình với mây….vẫn cảm thấy thòm thèm :-))))

5 tiếng đồng hồ đã để lại một trải nghiệm để đời.

Đường về với kỷ niệm khó quên

Cả đoàn bụng bảo dạ lúc đi là đường ngắn nhất là qua quốc lộ 32 và chỉ tầm 6 giờ tối đã về tới Hà Nội. Do vui quá, phấn khích quá mà cả lái xe và đoàn thợ săn đều không nhận ra việc đi nhầm sang quốc lộ 37. Vậy là qua Yên Châu, Mộc Châu, Mai Châu, Thung Khe và Cao Phong. Nghĩ tích cực thì tuy 10 giờ tối mới về tới nhà nhưng có thêm bao nhiêu chiến lợi phẩm Mộc Châu như cải mèo, khoai, sữa chua nếp cẩm. :-))

Du lịch có trách nhiệm ở Tà Xùa

Hỗ trợ người dân tộc ở Tà Xùa có thu nhập tốt hơn

hai người ngồi
Apáo thổi khèn trên đỉnh Tà Xùa

Người dân sinh sống ở Tà Xùa chủ yếu là người HMong. Kinh tế gia đình từ nghề lúa nước, trồng cây nông nghiệp trên các thửa ruộng bậc thang, chăn nuôi gia súc gia cầm. Có tới 60% trong số họ là những hộ nghèo. Làn sóng du lịch săn mây đã mang tới cho họ thêm thu nhập từ du lịch. Khi chúng tôi tới đây chúng tôi đã gặp những người HMong làm Homestay, bán hàng, làm xe ôm đưa khách lên sống lưng khủng long, thổi khèn…Họ đều rất chất phác.

Hãy ở Homestay, mua hàng, sử dụng dịch vụ của người dân tộc ở Tà Xùa để giúp họ cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.

Hãy cùng nhận thức về sự biến mất nhanh chóng của thiên nhiên hoang sơ

Chúng tôi đã gặp và nói chuyện với những người yêu du lịch khác khi ở Tà Xùa. Một người từ tận Đà Lạt ra phượt Hà Giang, Tà Xùa. Anh đã nhiều lần tới những địa danh này. Câu chuyện chung là cảnh thiên nhiên hoang sơ bị phá nát nhanh chóng bởi những công trình đồ sộ chắn view, hay bị bê tông hóa nhanh chóng. Tòa nhà Panorama ở Mã Pí Lèng chỉ là một trong những công trình không phù hợp với cảnh quan.

Thiên nhiên tươi đẹp quá mong manh

Khi đi qua các đô thị phía Bắc như Hòa Bình, Mai Châu, Mộc Châu, Sơn La, Thanh Hóa tôi đều thấy cảnh những ngọn đồi núi bị xẻ thịt công khai để xây nhà ở, nhà hàng…..Những ngọn núi đá ngàn năm bị những chiếc máy nghiền nát thành bột chỉ còn khung xương gầy guộc. Những ngọn đồi đất đỏ bị tiêu biến công khai….

Tà Xùa, 27/2&28/2/2021

Video clip trên sống lưng khủng long ở Tà Xùa: Ngẫu hứng