Tôi không nhớ đã tới Hội An bao nhiêu lần tất cả. Nếu tính cả những chuyến thăm ngắn một vài tiếng đồng hồ, và những chuyến thăm trong khoảng vài ngày thì chắc là khoảng 5-6 lần gì đó. Lần nào tới đây tôi cũng thấy thành phố này đang đổi mới.
Hội An, thương cảng cổ thế kỷ 16, xứng đáng với danh hiệu di sản văn hóa thế giới của Unesco trao tặng năm 1999. Hiếm có nơi nào hội tụ cả những nét kiến trúc, ẩm thực của 4 nền văn hóa như Hội An. Dạo chơi trong phố cổ, ta có thể thấy các biểu tượng của văn hóa Nhật, các tòa nhà Trung Hoa, các tòa nhà có kiến trúc Pháp và Việt Nam.
Cũng ở Hội An, các tín ngưỡng khác nhau cùng tồn tại hòa bình. Trong góc đường của Hội An, ta gặp biểu tượng của đạo Shinto, những ngôi chùa phật, nhà thờ đạo thiên chúa giáo cũng như hội quán Trung Hoa. Người dân ở đây cũng có truyền thống thờ thần sông, thần gió, thần thổ địa.v.v…để cho mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.
Phố đi bộ của Hội An có những nét cổ kính duyên dáng luôn hút hồn ống kính của các nhiếp ảnh gia nghiệp dư và chuyên nghiệp.
Những ngôi nhà cổ, thấp, lợp mái ngói âm dương, hoàn toàn bằng gỗ, bên trong hơi tối nhưng mát mẻ, sâu hút vào bên trong, hai mặt thông ra hai phố khác nhau, trong nhà có giếng trời và thậm chí cả giếng nước cổ. Ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, những ngôi nhà như vậy chỉ còn rất ít như nhà cổ số 87 Mã Mây của Hà Nội.
Một biểu tượng khác của Hội An là những chiếc đèn lồng, khung tre, kiểu dáng phong phú ngoài bọc lụa màu khác nhau. Những dãy phố treo đèn lồng để trang trí mang lại vẻ đẹp mềm mại rất riêng cho phố cổ.
Nhà trong phố cổ có hoa leo trên mái, khi thì hoa giấy đỏ, hoa tigon hồng, hoa đổ vàng, hoa tím làm cho cuộc sống xanh hơn và như bớt hối hả hơn.
Hội An đẹp nhất là khi buổi sáng tinh mơ, khoảng 6 giờ sáng. Phố cổ tĩnh lặng, không bóng người qua lại, tha hồ mà chụp ảnh chùa, cầu, phố, sông Hoài và những chiếc thuyền gỗ. Đôi lúc có bóng gánh gồng, xích lô chở rau, xe đạp vụt qua làm phố vắng sinh động hơn.
Hội An quá tải vì du khách quá đông
Nhưng từ 9-10 giờ sáng trở ra là phố xá đã nườm nượp người qua lại. Lượng người cứ thế tăng dần, hàng quán tấp nập cùng với nhiệt độ ngoài trời nắng khiến cho Hội An biến đổi. Vẻ êm đềm, thanh bình phố cổ biến mất và thay vào đó là sự áp lực từ quá đông người. Buổi tối người du lịch đi lại như mắc cửi, vai sát vai. Các khu vực di tích như chùa Cầu đông nghẹt du khách.
Trong một số khu phố, ta không thể nhận ra Hội An trong tiếng nhạc disco sôi động bên những cốc bia rôm rả.
Một hiện tượng rất dễ nhận ra là các hàng dài xe buýt bên bờ sông Hoài.
Lượng khách du lịch tới HA tăng, đặc biệt là khách quốc tế, đã làm tăng các sản phẩm du lịch hướng tới đối tượng này. Thành phố cũng tỏ ra quyết tâm tăng trưởng kinh tế từ khách du lịch. Những chiếc cổng mang hình rồng màu sắc được dựng lên, hai bên bờ sông Hoài là hình ảnh các con vật biểu tượng (hổ, gà, rồng etc.) nhiều màu sắc sặc sỡ.
Để có thể đáp ứng nhu cầu ở, số lượng khách sạn và homestay mới tăng nhanh. Nhiều khách sạn mới, cao tầng, đồ sộ như khách sạn Royal hotel ở trên đường Nguyễn Du, ngay cạnh khu phố đi bộ. Các homestay view sông rất được khách nước ngoài yêu thích vì cảnh thanh bình, yên tĩnh và giá cả phải chăng. Nắm bắt được nhu cầu này, các homestay mới dọc theo bờ sông Hoài và sông Thu Bồn đang được gấp rút xây dựng.
Bên cạnh các hàng truyền thống như quần áo, túi da, áo dài, các cửa hàng dịch vụ ăn uống cà phê, hàng ăn để phục vụ khách nước ngoài nhiều hơn hẳn. Nhiều cửa hàng mang phong cách phục vụ rất tây.
Người nước ngoài ở Hội An
Nắm bắt cơ hội kinh doanh, nhiều người nước ngoài đã tới HA sinh sống và mở các dịch vụ mà nhằm vào đối tượng khách du lịch nước ngoài. Một ví dụ là triển lãm tranh của nhà nhiếp ảnh pháp Rehahn. Anh tìm hiểu về văn hóa, sưu tập trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số và mạnh về chụp ảnh chân dung. Réhahn mở triển lãm ảnh, trang phục các dân tộc Việt Nam độc đáo hướng tới đối tượng khách du lịch nước ngoài. Có một số tour photography do người nước ngoài thực hiện ở Hội An đưa du khách đi chụp ảnh HA cũng khá là đông khách.
Kinh tế du lịch sôi nổi ở HA tác động tới phong cách của những người dân HA. Đâu đó, ta nhận thấy sự hiền lành, chất phác, thật thà vốn là thế mạnh du lịch Hội An đang dần bị thương mại hóa qua ánh mắt nôn nóng, qua việc lựa chọn khách đô la của một số hàng quán nơi đây.
Hội An chỉ có khoảng 120.000 người sinh sống. Trong khi đó, theo thống kê năm 2016, có tới 2.6 triệu khách du lịch tới Hội An. Lượng khách du lịch tăng cao mang lại sự phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cũng chính trong sự gia tăng của du lịch, Hội An cũng đang dần bị đô thị hóa và dường như đang mất dần vẻ mộc mạc, cổ kính của riêng mình. Hội An 2018