Những nàng tiên cá của Copenhagen

Những nàng tiên cá của Copenhagen 

Hans Christian Andersen là nhà văn nổi tiếng của Đan Mạch. Ông là một nhà văn chăm viết và có rất nhiều tác phẩm văn học ở các thể loại khác nhau. Nhưng những tác phẩm được biết tới nhiều nhất của ông là truyện cổ tích. Không chỉ trẻ nhỏ say mê mà cả người lớn cũng thích đọc truyện của ông. Tôi là một ví dụ điển hình. Tới giờ vẫn còn đọc lại những câu chuyện này. 

Nàng tiên cá bé nhỏ của Andersen

Nàng tiên cá bé nhỏ của Copenhagen

Một trong những câu chuyện hay tới ám ảnh là chuyện Nàng tiên cá bé nhỏ. Hồi nhỏ, chuyện đó làm tôi buồn lắm, buồn tới mức hiếm khi nào tôi đọc kỹ hết đoạn kết mà tôi cho là không có hậu.  

Mấy chục năm trôi nhanh, bây giờ đọc lại câu chuyện, tôi vẫn thấy bị phù phép bởi thế giới cổ tích. Nàng tiên cá xinh đẹp có giọng hát mê hồn trong thuỷ cung lộng lẫy và những buổi dạ hội kỳ ảo của vua Thủy Tề. 

Truyện vẫn buồn thế nhưng khác với hồi nhỏ, tôi đọc kỹ đoạn kết và giờ thấy đây là kết cục tuy buồn nhưng rất đẹp và hợp lý.

Nàng là biểu tượng của Copenhagen

Người dân Copenhagen yêu quý và dựng tượng nàng tiên cá. Bức tượng trở thành biểu tượng nổi  tiếng tới nỗi không có ảnh chụp với nàng thì coi như chưa tới Copenhagen.

Lai lịch của bức tượng cũng có nhiều tình tiết thú vị. Con trai của ông vua bia Carlsberg là Carl Jacobsen, sau khi xem vở ballet cùng tên đã cảm hứng tới nỗi đặt đúc tượng nàng tiên cá. Ông đã nhờ chính cô diễn viên ballet làm mẫu cho bức tượng, nữ diễn viên Ellen Price.

Tác phẩm được hình thành nhờ tài năng của nhà tạc tượng Edvard Eriksen, và nhờ hai mẫu xinh đẹp. Phần đầu lấy mẫu từ Ellen Price, còn phần thân lấy mẫu từ chính người vợ của nhà tạc tượng. 

Kết quả thật là ngoạn mục. Một cô gái trẻ dáng thanh thoát, có gương mặt xinh đẹp với mái tóc dày, chân tay thon dài cân đối. Vẻ mặt nàng buồn nhưng không tuyệt vọng. Tóm lại, nàng tiên cá này giống hệt người, chỉ có một điểm khác biệt nhỏ là nàng có một chiếc đuôi cá mà thôi. 

Vậy là từ năm 1913, nàng tiên cá của Copenhagen ngồi trên một tảng đá ở Langelinie, Copenhagen.

Nàng là nạn nhân của những vụ tấn công

Vì quá nổi tiếng, nàng chịu số phận truân chuyên. Nàng bị tấn công ác ý nhiều lần, bị cưa đầu, cưa tay, bị phun sơn làm bẩn, bị viết lên người v…v..

Những kẻ tấn công nàng  có những động cơ khác nhau nhưng chung mục đích là kêu gọi sự chú ý bằng những hành động “xâm hại” nàng.

Còn nữa, việc nàng chỉ cao tới 1.2m làm nhiều du khách thất vọng vì họ hình dung ra nàng phải cao lớn hơn thế. 

Nhưng tôi thì thấy nàng rất duyên, thấy nàng nhỏ thế mới đẹp. Nhiều người dân Copenhagen cũng nghĩ giống tôi. Họ yêu nàng tới nỗi, thấy ai nói nàng tiên cá nhỏ là họ lại buồn phiền. 🙁

Nàng tiên cá của bảo tàng SMK

nàng tiên cá
Nàng tiên cá trong bảo tàng SMK khác với nàng tiên cá trong truyện cổ

Tuy nhiên, Copenhagen không chỉ có một nàng tiên cá. Trong bảo tàng SMK tôi đã gặp một nàng tiên cá khác. Nàng không xinh đẹp, thanh thoát như nàng tiên cá của Edvard Eriksen nhưng thực sự làm tôi xúc động. Có một vẻ tuyệt vọng, sợ hãi ở nàng tiên cá này.

Nàng giống cá hơn giống người ở đôi mắt lồi, vảy cá, đuôi cá…. 

Một điều chắc chắn là nàng vừa từ dưới đại dương bơi lên bởi mái tóc ướt dính chặt vào đầu. 

Nàng là tác phẩm của nữ tác giả Carl-Nielsen. Theo Wikipedia thì tác giả lấy cảm hứng từ chính cuộc hôn nhân không hạnh phúc của mình.

nàng tiên cá trong bảo tàng SMK
Nàng tiên cá trong bảo tàng SMK

Nàng tiên cá trong bảo tàng SMK 

Chàng tiên cá ở Kronborg

Chàng tiên cá bên lâu đài Kronborg

Đan Mạch là một đất nước tự hào về văn hóa bình đẳng giới. Có thể đấy là lý do tôi gặp “chàng tiên cá” này khi tới Kronborg, Copenhagen. 

Quyền yêu và hy sinh cho tình yêu chắc chắn không chỉ thuộc giới nữ. Và thế là chàng tiên cá ra đời. 🙂 

Chàng không bằng đồng đen mà bằng một vật liệu trắng bóng. Chàng yểu điệu ngồi bên những con thuyền, gương mặt buồn rầu, mắt nhìn về hướng lâu đài Kronborg ngóng chờ người tình trăm năm 🙂 ./. 10/2019.