Những lý do cần tới Tú Lệ vào mùa đông

“Đường lên Tây Bắc xa xôi

Tiếng chim rừng đây đó”

Tây Bắc luôn gợi trong ta về một vùng sơn cước xa xôi, hoang dã, và mộc mạc.

Đầu tháng 12, đám bạn bè thân thiết chúng tôi rủ nhau đi thăm Tú Lệ, một xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Tú Lệ có gì xem?

Tú Lệ là một vùng thung lũng trồng lúa nằm giữa những dãy núi cao là Khau Phạ, Khau Song, Khau Thán. Người dân tộc sống ở Tú Lệ đa số là người Thái, người Dao.

Mùa lúa chín là mùa Tú Lệ đón nhiều du khách nhất. Họ tới để ngắm cả một thung lũng nhuộm màu vàng ruộm. Một lý do nữa là Tú Lệ nằm trên đường tới Mù Cang Chải, điểm đến số 1 để ngắm ruộng bậc thang của Tây Bắc.

Thế nhưng chúng tôi lại tới đây vào tháng 12, khi mùa lúa chín đã qua, mùa đông đã tới. Tú Lệ với những cánh đồng trơ gốc rạ và trong gió rét có gì đáng xem?

Đấy là câu hỏi chúng tôi tự đặt trước khi đi.

Nhưng theo nguyên tắc, cứ đi với nhau là vui nên không có gì phải suy nghĩ nhiều :-). Và những gì chờ đón chúng tôi ở Tú Lệ là một sự ngạc nhiên thú vị.

Thị Trấn Nghĩa Lộ[1]

Nhìn quang cảnh vắng vẻ êm đềm của Nghĩa Lộ ngày nay thật khó hình dung về trận đánh khốc liệt thời chống Pháp diễn ra tại đây năm 1951. Nghĩa trang liệt sĩ lớn bên đường là minh chứng cho thời kỳ này.

Theo bánh xe lăn là những quang cảnh xóm làng trung du thoắt ẩn thoắt hiện.

Trồng cây gì, nuôi con gì?

Nơi nào làm kinh tế gì đều thể hiện ngay ở ven đường. 🙂

Đồi Chè trung du
Phú Thọ có nhiều đồi chè nhưng đã không còn nhiều rừng cọ

Qua Phú Thọ là những đồi chè bạt ngàn của vùng trung du. Những luống chè đánh hàng thẳng tắp. Phú Thọ từng nổi danh với rừng cọ đồi chè thì nay chủ yếu là chè. Cọ bị “át vía” co cụm ở một vài ngọn đồi.

Thấy nhiều cam bán ven đường là vùng trồng cam. Những luống cam thấp trồng thành hàng trên đồi.

Qua vùng làm kinh tế từ trồng rừng lấy gỗ thì thấy gỗ ép tấm phơi đầy đường. Sản phẩm cuối là diêm, giấy, đóm…

Rừng núi trùng điệp
Vùng rừng núi phía Bắc đồi núi trùng điệp

Có những đoạn, người dân bày bán đá khai thác từ Suối Giàng. Đá có vân xanh, vân tím được chạm khắc thô sơ hoặc nguyên khối. Người ta mua đá về hào phóng trang trí sân vườn, bậc thang.

Không rõ việc khai thác này được quản lý thế nào?

Phong cảnh hai bên đường cũng biến đổi sinh động.

Những dãy núi còn cây xanh bao phủ như những mái đầu còn tóc xanh, mát mắt. Những dãy núi trọc không cây như những cái đầu bị cạo trọc nham nhở nhìn đau mắt. Đường đi Tú Lệ khá tốt, tuy nhiều đoạn vẫn chưa hoàn thiện bụi mù, phủ trắng  những hàng cây ven đường. Đây đó đồi núi bị bạt đi để làm đường lộ những thớ đất thịt như vết thương chưa lành.

Bên đường là những ngôi nhà sàn thấp, dưới gầm chất đầy củi. Trên vách treo đầy quần áo. Trẻ nhỏ chạy chơi cùng lợn gà dưới gầm nhà sàn.

Thi thoảng có những ngôi nhà bằng gỗ, thấp lè tè. Tường ken bằng những thanh gỗ nhỏ.

Tú Lệ sau mùa gặt!

Tháng 12, những cánh đồng lúa đã gặt xong còn trơ rạ. Mùa khô nắng hanh vàng và ấm áp chứ không hề lạnh tái tê như chúng tôi hình dung trước khi đi.

Hai ngày cuối tuần trôi nhanh trong sự êm đềm của vùng thung lũng lúa.

Le Champ Tú Lệ

là điểm chúng tôi nghỉ hai ngày cuối tuần. Resort này mới khai trương từ tháng 10/2019. Chúng tôi gần như là những vị khách đầu tiên trong resort mới tinh khôi này. Cũng là những vị khách khai trương dàn karaoke để ăn mừng chiến thắng 4:0 của U23 Việt Nam trước Singapore. ;-).

Trăng Tú Lệ tròn và sáng trong cái lạnh trong trẻo của vùng núi cao. Cái lạnh gợi nhớ những mùa đông ở Hà Nội xưa, khi không có điều hòa, khi chui ra khỏi chăn bông sao mà khó thế.

Dậy sớm ngắm bình minh ở Le Champ Tú Lệ

Bình Minh ở trên núi cao
Bình minh trên Tú Lệ

Tú Lệ là một vùng thung lũng nên ta chỉ ngắm được bình minh muộn. Mặt trời qua dãy núi cao thì đã tròn đầy. Sáng sớm, sương giăng đỉnh núi như một tấm màn thưa ngăn mặt trời và mặt đất. Đây đó, một vài đụn khói trắng bốc lên từ những quả đồi trước mặt.

Thăm chợ Tú Lệ

Chợ bán đầy vải vóc, thổ cẩm sặc sỡ
Chợ Tú Lệ

Ngay cạnh Le Champ Tú Lệ là một khu chợ nhỏ mà dân địa phương hay mua bán. Đầu chợ là một đại lý bản đủ thứ từ gạo, rượu, đồ souvenir. Đi xuôi vào trong chợ là các hàng quần áo thổ cẩm. Nhưng không có hàng dệt tay, chỉ có hàng dệt công nghiệp chắc buôn từ Trung Quốc.

Hàng thịt thì bày nguyên cả một miếng còn nguyên da và lông dài để chứng tỏ lợn đen thứ thiệt. Đây đó chúng tôi gặp người dân tộc đeo gùi đi chợ. Chắc được chụp ảnh nhiều nên mỗi khi thấy ống kính, họ hay quay mặt đi hoặc lấy tay che mặt.

Suối khoáng thiên nhiên của người Thái ở Tú Lệ

suối khoáng thiên nhiên
Suối khoáng thiên nhiên của người Thái

Con đường nhỏ ở phía đầu chợ phải nhìn kỹ mới thấy. Người địa phương có thói quen tắm suối khoáng nóng. Trước đây họ ra suối tắm, giờ đã có một bể tắm xi măng nhỏ để tắm cho thuận tiện.

Con suối vẫn đó, dưới lùm tre xanh. Lòng suối đầy đá cuội, nước chảy êm đềm. Nguồn nước khoáng nóng phun lên từ mặt đất, nóng tầm 40C. Khác với các suối khoáng khác, nước ở đây không có mùi lưu huỳnh mà chỉ hơi có mùi bùn.

Chúng tôi gặp một vài người Thái đang tắm ở đây. Đàn ông và đàn bà tắm chung bể. Họ cởi bỏ bớt áo quần, để trần nửa người khi xuống tắm.

Có vẻ như đó là việc tắm chung hết sức bình thường đối với những người ở đây. Giống như cùng tắm trên một bãi biển chứ không phải trong một bể xi măng bé xíu. :-).

Vẻ thơ mộng của những con suối Tú Lệ và phong tục tắm suối của người Thái được nhắc tới nhiều trong văn chương. Đoạn suối người dân hay ra tắm nay đầy rác thải nhựa. Khi tới đây, tôi thấy con suối vẫn đẹp, phong tục vẫn còn đó, nhưng rõ ràng rác thải đang lan tràn ở các con suối thi vị của Tú Lệ.

Lũy tre, lúa và trâu cày

con trâu, lũy tre làng
Cuộc sống thuần nông ở Tú Lệ

Cạnh nơi tắm khoáng là những cánh đồng. Lúa đã gặt xong chỉ còn trơ gốc rạ. Dưới những bụi tre xanh là bầy trâu đang gặm cỏ. Một chú trâu đực sừng cong cai quản một bầy trâu cái và nghé con. Chú nghé con bé nhỏ cứ nhảy quẩng lên đòi ti mẹ.

Cây cầu gỗ bắc qua suối

Cạnh những thửa ruộng là cây cầu gỗ bắc qua suối. Ván cầu ghép bằng những thân gỗ nhỏ, không khít vào nhau. Một chiếc xe công nông đi qua làm cây cầu rung lên bần bật và còn dư chấn mãi về sau. Cạnh cây cầu là một bản người Thái sinh sống.

Đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đỉnh đèo về độ hiểm trở

đường đèo quanh co
Đường đèo Tú Lệ

Những con đường nhỏ uốn lượn giữa những dãy núi cao. Điểm đẹp nhất để ngắm con đèo này là từ nhà hàng dù lượn Khau Phạ. Trên đường đi thấy ven đường có khẩu hiệu “Cảnh giác với buôn bán người” cho thấy tình hình an ninh phức tạp bên trong vẻ hiền lành.

Đừng quên ngắm nhìn hoàng hôn trung du trên đường

Hoàng hôn trên núi
Hoàng hôn trên Tú Lệ

Đừng quên thưởng thức đặc sản Tú Lệ 😛

Tú Lệ vào những ngày mùa đông, mùa lúa đã gặt xong vẫn rất đáng yêu. Vẻ đẹp bản sắc không pha trộn của vùng sơn cước đặc biệt và đáng nhớ. Điều làm nên sự đặc biệt của Tú Lệ chính là cảnh quan thiên nhiên vẫn còn nguyên sơ. Sự biến đổi kỳ ảo của mây, sương, khói trên những dãy núi cao đẹp mê hồn. Tú lệ còn đặc biệt ở chỗ vẫn còn cuộc sống thuần nông mà người thành thị như chúng tôi đang dần quên. Các món ăn ở đây rất ngon, còn nguyên hương vị làng quê và núi rừng.

Ta vẫn cần phải quay trở lại đây vào mùa lúa chín để có thêm những tấm ảnh để đời. 12/2019