Châu Á

Siem Reap không chỉ có Angkor Wat

Vào dịp tết dương lịch năm 2015, cả gia đình nhỏ của tôi đi Siem Reap. Khi lên kế hoạch đi Siem Reap, chúng tôi chỉ nghĩ tới khu khảo cổ Angkor nhất là Angkor Wat. Nhưng khi tới đây, có khá nhiều bất ngờ lý thú chờ đợi chúng tôi.

Sân bay quốc tế Siem Reap

Một dòng người dài đứng chờ nhập cảnh ở sân bay quốc tế Siem Reap. Chúng tôi khá ngỡ ngàng trước một quy trình thông quan rắc rối. Đầu tiên là ngơ ngác không biết làm thế nào để có tờ khai nhập cảnh. Một người đàn ông đứng chìa ra một sắp tờ khai màu vàng và lấy giá 1 USD. Những ai nhanh tay trả thì khá bẽ bàng vì hóa ra chỉ cách đó mấy bước tờ khai đó được phát miễn phí v.v… 😆 .Thoát khỏi cảnh nhốn nháo ở sân bay chúng tôi bắt taxi về khách sạn. Không biết bây giờ, sân bay này đã khác xưa?

Frangipani Green Garden Hotel & Spa

Khách sạn Frangipani Green Garden Hotel & Spa ở Siem Reap

Khu hotel khá rộng thoáng đậm tính dân tộc. Một khu vườn rộng với tre, chuối, xoài, ghế xích đu và hoa đại. Cuối vườn là một hồ bơi nhỏ. Dãy nhà nghỉ hai tầng mái đỏ dưới gốc xoài xanh lá. Hàng tượng hai bên cổng vào đón chào khách tới thăm. Một bầu không gian yên bình và mát mẻ. Trong những ngày tới, chúng tôi có thú ra ngồi đọc sách ở chiếc bàn gỗ ở ban công. Một cảm giác rất thư thái và tĩnh tâm tràn ngập. Không thể nghĩ rằng chúng tôi đang ở Campuchia, đất nước từng trải qua thời kỳ lịch sử đen tối vì nạn diệt chủng.  

Khách sạn nhà vườn có cả hồ bơi

Ấn tượng về Pub Street

Pub Street ngày cuối cùng của năm 2015

Nhận phòng khách sạn xong, chúng tôi đi bộ ra khu phố Pub Street. Pub Street mang dáng vẻ của một khu phố quốc tế với biển hiệu tiếng Anh, nhạc disco xập xình. Khách du lịch đi lại nườm nượp. Hai bên đường, các món ăn đường phố thơm nức.

Khu phố trang hoàng rực rỡ để đón năm mới. Thật hay là chúng tôi tới đúng ngày 31/12. Đúng 12 giờ đêm, Siem Reap có bắn pháo hoa chúc mừng năm mới. “Happy New Year 2016”. Những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Siem Reap là như thế đó.

Quán cà phê ở Siem Reap

Trong những ngày tiếp theo, chúng tôi còn ra Pub Street nhiều lần. Khi thì la cà uống cà phê dưới gốc cây bằng lăng tím ở quán Le Grand Café. Khi thì đi xem chợ Siem Reap ngắm đồ lưu niệm. Túi xách, ví tay bằng da cá sấu bày bán khá nhiều. Đừng quên ăn thử các món ăn Khmer. Các món nấu với cà ri khá là phổ biến.

Một trò vui nữa ở Pub street là cả nhà tạt vào một quán ven đường matxa chân và ngâm chân cho cá rỉa chân.  😛 

Phố phường thanh vắng

Chùa ở Siem Reap

Trong ngày tiếp theo, chúng tôi đi thăm quan phố phường. Tết tây, đường phố thanh vắng. Đây đó, có những ngôi chùa đông vui. Phong cách kiến trúc của những ngôi chùa này cũng khá là pha trộn bản sắc so với những ngôi chùa mà chúng tôi đã đi thăm. Trong một ngôi chùa thôi mà tôi thấy lọng Thái Lan, thờ bò như ở Ấn độ, mái chùa cong như ở Luang Prabang, rắn Naga nhưng lại có mỏ chim, tháp có mặt nhìn bốn phương theo phong cách Bayon.

Có những đôi ăn mặc đẹp tới chùa làm lễ cưới. Bên ngoài chùa, hoa sen và hoa súng bày bán làm đồ lễ. Người tới chùa mỗi người một nén hương, lâm râm khấn vái.

Đi lại thế nào cho tiện?

Ở Siem Reap, xe đạp cũng khá thông dụng nhưng chúng tôi chọn đi tuk tuk. Cả nhà ngồi lên một chiếc xe và đi khắp phố phường. Thậm chí, chúng tôi lại còn đi trọn gói với một xe túc túc luôn. Tên của người chủ xe tới giờ tôi còn nhớ. Anh tên là “Chuột”, tất nhiên là khi phiên âm ra tiếng việt. 😛 . Hằng ngày, anh Chuột đúng giờ trờ tới đợi chúng tôi trước cửa khách sạn. Sau một ngày thăm quan lại đưa chúng tôi về.

Nếm thử món đường thốt nốt

Thắng đường thốt nốt

Một đặc sản ở Siem Reap là món đường thốt nốt. Những người dân bày chảo thắng đường ngay ở ven đường. Đường thốt nốt ngọt mát nâu nâu, bày thành những miếng tròn. Cái cách người dân địa phương làm đường thốt nốt cũng khá thú vị.

Đi thuyền trên sông Tonle Sap

Đi thuyền trên sông Tonlesat

Sông Tonle Sap là một dòng sông rộng lớn, nước đỏ màu phù sa. Chúng tôi thuê thuyền đi dọc theo sông. Hai bên sông có các làng chài. Điều đáng buồn là phần lớn dân cư làng chài là dân nghèo gốc Việt. Họ sang Campuchia sinh sống nhưng không được nhập quốc tịch. Những tổ chức từ thiện lập trường cho bọn trẻ ăn uống, học hành. Khách du lịch thi thoảng tới thăm cho bọn trẻ bao gạo, tiền, bánh kẹo, bim bim. Ước mong của những hộ dân này là được nhập quốc tịch để con cái họ có một tương lai ổn định.

Bảo tàng Angkor National Museum dưới bóng hoa đại

Bảo tàng dân tộc ở Angkor

Chúng tôi tới thăm bảo tàng Angkor vào ngày cuối cùng ở Siem Reap. Nhưng tôi cho rằng lẽ ra phải tới đây đầu tiên. Bảo tàng này là nền tảng khá tốt để hiểu về văn hóa, con người, lịch sử và về các di tích của khu khảo cổ Angkor.

Khu khảo cổ Angkor

“Save the best for the last”

Chưa tới đây coi là chưa tới Siem Reap. Tôi điểm qua các di tích mà chúng tôi đã thăm. Nếu bạn quan tâm thì có các bài viết kỹ hơn. Lý do vì các khu di tích này quá tuyệt vời nên tôi có nhiều điều để viết.  😆 

Angkor Wat

Angkor Wat trong một buổi chiều tà

là trái tim của Siem Reap, xây vào đầu thế kỷ 12. Công trình tôn giáo lớn nhất Đông Nam Á này là lý do chính để du khách đổ về đây. Angkor Wat để lại trong ta nhiều điều không thể lý giải nổi về trình độ nghệ thuật và kiến trúc Khmer vào thế kỷ 12. Hằng trăm năm trước, những người thợ vô danh làm thế nào để tạo nên một công trình kỳ vĩ tới vậy trong rừng rậm của Campuchia. 

Angkor Thom

Angkor Thom là thành phố vĩ đại xây cuối thế kỷ 12 của đế chế Angkor

tiếng Khmer nghĩa là “thành phố vĩ đại” xây cuối thế kỷ 12 với những hàng cột đá thẳng tắp. Đầu mỗi cột cũng trang trí hoa văn không kém gì cột của người Hy Lạp và La Mã cổ xưa.

Bayon

là trung tâm tôn giáo của Angkor Thom nổi tiếng với 216 tháp mặt đá nhìn ra tứ phương. Bayon trở thành biểu tượng trên các tấm bưu thiếp. Những gương mặt rất Khmer, mắt nhìn xuống, mũi nở to và môi dày nhếch lên ở hai bên mép.

Ngôi đền Ta Prom

với màn diễn võ của cô nàng Angelina Jolie được cả thế giới biết đến. Ta Prom ngày nay như một khu vườn ma quái và bí hiểm. Những chiếc rễ cây to như những chiếc vòi bạch tuộc ôm chặt như bóp nghẹt ngôi đền.

Ngắm hoàng hôn ở Phnom Bakheng

rất đông khách du lịch đổ về đây ngắm hoàng hôn. Chụp được một tấm ảnh chất lượng không có người trong hình trở nên quá khó. Khi mặt trời lặn xuống giữa hai đỉnh tháp, cảnh tượng thật hoang sơ và kỳ vĩ.

Banteay Srei

Bantay Srei nhỏ nhắn và tinh xảo

tiếng Khmer có nghĩa là “Beautiful Citadel”. Đây là một khu đền Hindu thờ thần Shiva xây vào thế kỷ thứ 10. Khu đền xây bằng đá đỏ này khác với những đền đài khác chúng tôi tới thăm. Đền do quan xây chứ không thuộc hoàng gia. Ấn tượng nhất với các bức họa tường còn nguyên vẹn. 

East Mebon

Xây vào thế kỷ 10 trong một khu chứa nước ngày xưa của đế chế Khmer. Khu đền thời Shiva này rất dễ nhận ra ở nhiều chú voi đứng gác.

East Mebon

Pre Rup

nơi mai táng xưa của người Khmer. Tôi ấn tượng với sự trang nghiêm chết chóc của công trình này. Có vẻ như người Khmer xưa mai táng theo cách đốt xác trong những chiếc tháp cao.

Pre Rup

Ta Som

Ngôi đền nhỏ này xây vào thế kỷ 12 cùng thời với Pre Khan. Người ta cũng giữ khu đền này trong trạng thái hoang sơ khi nó được tìm ra. Tương tự như Ta Prom và Pre Khan, ngôi đền phong cách Bayon này bị cây chèn ép.

Ta Som là ngôi đền thờ Hindu nhỏ

Pre Khan

Pre Khan

Vua Jayavarman VII xây ngôi đền này vào cuối thế kỷ 12 để báo hiếu bố mình. Chắc chắn đây là công trình rất lớn và ấn tượng thời hoàng kim. Lối vào công trình có một hàng người đang kéo đuôi một chú rắn naga. Ở Angkor, hình ảnh chú rắn naga rất dài, bao quanh tường hào rất phổ biến. Một hình ảnh đi vào tâm trí là chiếc đèn khổng lồ. Ánh sáng của đèn là ánh sáng tự nhiên lọt qua lỗ khoét trên tường. Một ý tưởng cực kỳ sáng tạo và thông minh. Lại ngả mũ trước những người thợ vô danh.

Bantay Kdei

Bantay Kdei

Rêu phong, đổ nát với vẫn không giấu được vẻ diễm lệ là Bantay Kdei. Những bức tường trang trí hoa văn. Tranh tường là thiếu nữ chăm. Mái ngói úp. Những ô cửa sổ rất to và vuông vắn. Một cảnh hoang tàn nhưng thật đẹp nên thơ.

Tôi vẫn còn muốn quay trở lại Siem Reap để một lần nữa ngắm nhìn những công trình Angkor vĩ đại và lại lần nữa thán phục những người thợ tài hoa Khmer. 1/2016.

thefishinwater

Welcome to the Fish In Water, a blog about destinations, cultures from an authentic view. Hope the readers will find the blog useful and inspring.

Recent Posts

Ancarine, hideaway ngay trung tâm Phú Quốc

Ancarine Beach Resort 4/5 Địa chỉ: Tổ 3, ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, Phú…

2 years ago

Thăm đình Gióng Mốt, Đặng Xá, Gia Lâm

Đình, chùa Gióng Mốt: 3/5 Vị trí: 2XP6+3HJ, Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội Chủ…

2 years ago

Suomenlinna, pháo đài của mùa thu vàng

Chúng tôi tới Helsinki vào những ngày đầu tháng 10. Thời tiết cuối thu đầu…

2 years ago

Buổi lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Đan Mạch

Thái tử Đan Mạch Frederick và công nương Mary Elizabeth sang thăm Việt Nam từ…

2 years ago

Đình Bình Minh là nơi chứng kiến những ngày huy hoàng của chúa Trịnh Cương

Đình Bình Minh Địa chỉ: tổ dân phố Bình Minh, thị trấn Trâu Quỳ, huyện…

2 years ago

Khu du lịch Ma Thiên Lãnh 3/5

Địa chỉ: Xã Thanh Tân, Tây Ninh Ma Thiên Lãnh một thung lũng nằm dưới…

2 years ago