Đình và Chùa Bà Tề
Xã Hiệp Thuận, Huyện Phúc Thọ Tên khác là Đình và Chùa Hiệp Thuận Di…
Đoài trong tiếng hán nghĩa là phía Tây. Xứ Đoài là tên gọi có từ xa xưa để chỉ tới vùng đất phía tây của kinh thành Thăng Long.
Tôi cứ hiểu nôm na xứ Đoài là tỉnh Sơn Tây cũ gồm các huyện Sơn Tây, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì và một phần của huyện Chương Mỹ.
Xứ Đoài được cho là vùng đất gốc của người Việt cổ và nền văn minh Việt cổ. Những người dân sống ở vùng đất này từ lâu, qua nhiều thế hệ hẳn phải rất tự hào vì là cư dân của vùng đất đặc biệt đến vậy.
Trong bài viết có tên “Xứ Đoài trong lịch sử – văn hóa Việt Nam”, GS.TS, NGND Nguyễn Quang Ngọc, đã nêu vai trò quan trọng của xứ Đoài trong lịch sử Việt Nam. Có thể nói, xứ Đoài là kinh đô của nước Văn Lang thời Hùng Vương. Dưới thời Hai Bà Trưng, là nơi hai bà phất cờ khởi nghĩa và cũng là nơi hai vị nữ anh hùng tuẫn tiết. Xứ Đoài cũng là kinh đô của triều đình Vạn Xuân thời Lí Bí. Vùng đất trọng yếu dưới thời Ngô Quyền. Từ khi vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, xứ Đoài trở thành cửa ngõ thủ đô. Từ 2008 tới nay, xứ Đoài trở thành một phần của Hà Nội.
Chính vì có lịch sử lâu đời mà xứ Đoài có rất nhiều di tích cổ như các đình chùa miếu mạo. Những công trình cổ nhất sẽ được tìm thấy ở xứ Đoài.
Tháng 12 năm 2021, tôi tham gia một chuyến đi tới huyện Phúc Thọ, Xứ Đoài, cùng với những người cùng sở thích.
Người giới thiệu cho chúng tôi các danh thắng là chú N.C.Công, người đã tạo lập ra trang web www.360.hncity.org.
Chú là chuyên gia về công nghệ thông tin, nhưng đồng thời là người nghiên cứu và hiểu biết sâu về lịch sử, văn hóa của Việt Nam. Theo lời chú Công, xứ Đoài có rất nhiều di tích cổ từ thời các vua Hùng, Hai Bà Trưng và các triều đại về sau. Các di tích này có công xây dựng của những người thợ Chăm Pa và có dấu ấn của phong cách kiến trúc, văn hóa Chăm Pa.
Chuyến đi này cũng đặc biệt “năng suất” khi mà trong ngày chúng tôi tham quan được hơn 10 điểm di tích ở huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây
Trong chuyến đi này, mục đích của riêng tôi là quan sát ảnh hưởng của đô thị hóa tới các công trình kiến trúc cổ. Đồng thời, tìm các bằng chứng cho dấu ấn của văn hóa Chăm Pa trong các công trình này.
Tôi không phải là chuyên gia về lịch sử và văn hóa, mà chỉ là người tìm hiểu nghiệp dư. Các nhận xét của tôi là ý kiến cá nhân về mỗi điểm đến trong thời gian cưỡi ngựa xem hoa.
Nhìn chung, phần lớn các di tích tuyệt đẹp này đã bị xuống cấp. Một số di tích được trùng tu mới nhưng thường mất đi nhiều dáng dấp xưa. Khi đánh giá tổng quan, tôi thường dựa trên bốn yếu tố. Quang cảnh thiên nhiên của di tích. Kiến trúc bên ngoài công trình. Trang trí bên trong và sự đặc sắc của các pho tượng. Mức độ xuống cấp của di tích.
Sự sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội năm 2008 và phong trào Nông Thôn Mới năm 2010 đã mang lại diện mạo mới cho các vùng thôn quê của Xứ Đoài. Chúng tôi đi dọc theo đê sông Đáy, nơi đang có sự chuyển đổi đô thị mạnh mẽ. Phong cảnh nhiều nơi là “làng trong phố” và “phố trong làng”.
Khu vực đê sông Đáy có nhiều khu đô thị mới đang xây dựng. Thiết bị san ủi, đóng móng ngổn ngang giữa những bãi đất lớn trước kia là cánh đồng và khu nghĩa địa. Đây đó những đàn trâu bò vẫn đang được chăn thả. Chúng trông có vẻ lạc lõng và ngáo ngơ trước những đổi thay sắp tới. Qua một vài nơi, có những ruộng lúa vừa gặt xong. Những đàn vịt ngan đang vẫy vùng mặt nước.
Huyện Phúc Thọ, cách Hà Nội 35 km, là điểm đến trong ngày. Vùng này được cho là nơi Hai Bà Trưng đã khởi quân và cũng là nơi hai bà đã tuẫn tiết.
Huyện Phúc Thọ có thị trấn Phúc Thọ và 20 xã. Ngày hôm nay, chúng tôi sẽ đi các xã Ngọc Tảo, Long Xuyên, Võng Xuyên, xã Tích Giang, xã Trạch Mỹ Lộc, Tam Hiệp, Hiệp Thuận của huyện Phúc Thọ. Những nơi chúng tôi qua, đường làng giờ trải xi măng thay cho đường đất và đường gạch. Hai bên đường nhiều nơi có trồng hoa màu sắc.
Những ngôi nhà xây mới bằng bê tông, cốt thép, và nhôm kính cùng một kiểu dáng, na ná nhau. Những ngôi nhà này là sự thay thế cho nhà có mái ngói, vườn rau, lũy tre và buồng chuối.
Tranh bích họa có ở nhiều thôn xã, nhất là trên tường các khu trường học. Màu sắc rực rỡ làm cảnh sắc tươi mới, tuy các tranh tường đều na ná giống nhau.
Trong diện mạo mới của những ngôi nhà, quang cảnh nông thôn mới, vẫn còn đâu đó những nét làng quê còn trong ký ức tuổi thơ.
Dọc đường đi gặp chi chít “mìn” từ những chú trâu bò trên đường. Trên luống rau là bóng những bà cụ chít khăn mỏ quạ nhỏ thó, lưng cúi gập. Trầu không quấn quanh cây cau ta thẳng tắp.
Ở xã Thuần Mỹ, thôn Trạch Mỹ Lộc, chúng tôi gặp mấy người bán cá. Họ bán xô trạch, cá nheo, cá trắm đen, vài quả khế, mớ hành, mớ mùi…Người đàn ông đánh cá lấm lem bùn đất, quần áo nâu sồng ướt sũng xuất hiện. Nét mặt ông ánh lên niềm vui vì bán được vài con cá nheo.
Ai đó quệt vào xô đựng trạch khiến cho xô bị đổ, trạch thoát ra ngoài. Bắt trạch thả lại xô là cảnh làm lũ trẻ trong đoàn hết sức phấn khởi.
Cạnh chùa Bà Tề, có một khu chợ làng. Bà già bán mít chỉ có mỗi hai quả mít hái từ vườn bày bán. Mít của bà ngon quá là ngon đúng với danh hiệu “mít Sơn Tây”. Cạnh đó là người phụ nữ bán bắp cải. Cải không đẹp lắm, có sâu cắn. Người Hà Nội vẫn tín nhiệm mua rất nhiều vì sâu ăn là tín hiệu rau an toàn :-).
Đình chùa và những công trình cổ của Xứ Đoài không đứng ngoài cơn lốc đổi thay. Những công trình này đã, đang và sẽ bị/được trùng tu trong màu áo mới. Rất tiếc là nhiều nơi, việc trùng tu đã lấy đi “hồn xưa”. Sau trùng tu là một công trình “khác” với màu sơn, ngói mới rực rỡ bóng bảy, và những bức tượng vẽ nét, tô mày. Nhiều công trình đang sửa sang. Gạch, ngói, xi măng, gỗ…ngổn ngang.
Đình chùa ngày nay có diện tích thu hẹp đáng kể so với diện tích ban đầu. Trở thành một phần của cuộc sống đô thị. Kẹp giữa, đối diện với những nhà dân, chợ, hay ao làng. Trở thành một cái gì đó giống như bảo tàng truyền thống về chuyện ngày xưa.
Xứ Đoài có truyền thống thờ Tản Vương Sơn Tinh. Người dân nơi đây biết ơn đức thánh Tản đã dạy cho họ nghề đánh cá để sinh nhai. Các công trình thờ Tản Viên thường hướng về phía Núi Tản.
Các công trình này thường được làm bằng gỗ. Trải qua năm tháng, gỗ có thể bị mối, mọt, hỏng, đổ và thay bằng cột xi măng…etc…Mái ngói cũ cũng có thể được thay bằng ngói mới, hoặc những loại vật liệu ngày nay bền hơn.
Những người có công xây dựng đình chùa cổ của Xứ Đoài là những người thợ Chăm Pa.
Thời có chiến tranh giữa nước Việt và nước Chăm Pa, nhiều người Chăm Pa bị bắt làm tù binh. Họ được giam lỏng ở Xứ Đoài. Họ lập gia đình với người Việt và trở thành người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Họ rất giỏi trong việc làm các tác phẩm điêu khắc bằng gỗ, hay dựng xây các công trình….
Dấu ấn Chăm Pa được thấy ở những họa tiết như hình linh vật, đồ thờ cúng hay nét mặt, màu da của những pho tượng thờ.
Tới Xứ Đoài nên để ý tìm kiếm dấu vết của những sới vật và giếng tổ ong.
Xưa đây là vùng đất thượng võ. Bằng chứng là những sới vật xây bằng đá tổ ong từ thời xa xưa.
Một nét văn hóa thú vị là những giếng làng lớn đào sâu vào lòng đất. Đất vùng này là kết cấu đá tổ ong. Khi giếng khoan sâu xuống sẽ khoan vào lớp đá tổ ong. Theo dân vùng này, giếng tổ ong cho nước rất trong. Tôi cũng có thấy một vài giếng nước lớn hình bán nguyệt, dưới là lớp đá tổ ong. Tiếc rằng những giếng này không có sự giữ gìn tốt nên đầy rác rếu và nước thì đục ngầu.
Xã Hiệp Thuận, Huyện Phúc Thọ Tên khác là Đình và Chùa Hiệp Thuận Di…
Xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ Chúng tôi đi qua chợ vải sầm uất của…
Địa chỉ: Xã Long Xuyên, Huyện Phúc Thọ Xếp hạng: Di tích kiến trúc, nghệ…
Xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ Đình Cung Sơn, từ thế kỷ 17 thời vua…
Xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ Làng Thuần Mỹ là nơi còn giữ lại…
Xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ. Di tích lịch sử văn hóa được UBND tỉnh…
Ancarine Beach Resort 4/5 Địa chỉ: Tổ 3, ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, Phú…
Đình, chùa Gióng Mốt: 3/5 Vị trí: 2XP6+3HJ, Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội Chủ…
Chúng tôi tới Helsinki vào những ngày đầu tháng 10. Thời tiết cuối thu đầu…
Thái tử Đan Mạch Frederick và công nương Mary Elizabeth sang thăm Việt Nam từ…
Đình Bình Minh Địa chỉ: tổ dân phố Bình Minh, thị trấn Trâu Quỳ, huyện…
Địa chỉ: Xã Thanh Tân, Tây Ninh Ma Thiên Lãnh một thung lũng nằm dưới…