Cổng Ishtar, báu vật của bảo tàng Pergamon, Berlin
Bảo tàng Pergamon, bảo tàng quan trọng nhất trong đảo bảo tàng của Berlin đang trong quá trình trùng tu từ năm 2014 tới nay. Vì vậy, tôi cảm thấy rất may mắn khi tới thăm bảo tàng này vẫn còn xem được các hiện vật nổi tiếng nhất của bảo tàng này là cổng vào chợ Miletus (Market Gate of Miletus), cổng Ishtar (Ishtar Gate), và đường hành lễ của Babylon (Processional Way of Babylon). Babylon là vùng đất huyền thoai trong lịch sử. Chúng ta đã nghe tới 7 kỳ quan của thế giới cổ đại trong đó có vườn treo Babylon. Những kỳ quan đó hiện nay đã không còn. Chúng ta rất khó hình dung được cuộc sống của người dân Babylon cũng như nền văn minh rực rỡ của họ. Thật là may, với sự đóng góp của khảo cổ học, một phần của nền văn minh Babylon đã hiện lên với cổng Ishtar, một công trình làm ta ngỡ ngàng với trình độ xây dựng và thẩm mỹ của người Babylon từ hơn 3000 năm trước.
Cổng Ishtar là câu chuyện lý thú về khảo cổ. Khi các nhà khảo cổ học của Đức tiến hành khảo cổ ở khu vực trước đây là thành cổ Babylon vào năm 1899, họ đã tìm thấy vô vàn các mảnh gạch vụn từ cổng thành Ishtar (Ishtar Gate) dưới thời vua Nebuchadnezza II (604-562 BC). Các nhà khảo cổ, phấn khích với sự phát hiện này, đã tiến hành thương thảo với chính quyền Ottoman và sau đó được phép mang các gạch vụn này về Berlin vào năm 1903. Một phần lớn các mảnh gạch vụn khác được tìm thấy ở Irắc. Từ những mảnh gạch vụn này, với một sự nổ lực và tỉ mỉ phi thường, các nhà khảo cổ đã dựng lại cổng thành Ishtar như thủa ban đầu. Những mảnh gạch bị thiếu được bổ sung từ nguyên liệu của đời nay.
Chúng ta hãy thử dùng trí tưởng tượng bay bổng để hình dung cuộc sống của người dân Babylon ở khu vực lưỡng hà. Họ đã có một nền văn minh phát triển rực rỡ. Sự phụ thuộc vào nông nghiệp khiến họ tôn thờ các vị thần, cúng lễ cho các vị thần mong cho mưa thuận gió hòa. Ishtar là một nữ thần bảo trợ cho nông nghiệp cũng là nữ thần của tình yêu và thù hận. Mưa nắng có thuận hòa hay không là do nữ thần. Ngoài Ishtar ra thì người dân còn thờ nhiều thần quyền năng khác như thần Marduc, biểu tượng là con rồng, bảo trợ cho thành phố.
Vua Nebuchadnezza II (604–562 trước công nguyên) là một ông vua hùng mạnh, dưới sự trị vì của nhà vua, cuộc sống ấm no, quân thù khiếp sợ. Babylon là một cường quốc, nền văn minh sáng chói vùng lưỡng hà. Nhà vua đã cho xây dựng các công trình lưu danh hậu thế như cổng thành Babylon, con đường rước lễ dẫn vào cổng thành “Processional Way of Babylon”, vườn treo Babylon. Con đường rước lễ là con đường mà đám rước phải đi qua để tỏ lòng tôn kính tới các vị thần quyền lực vô biên. Con đường hành lễ này đi qua hai bên cổng thành cao hơn 15m, được trang trí bằng gạch xanh và các con vật linh thiêng sư tử, rồng và dê núi. Những người rước lễ rước tượng các vị thần đi dọc theo con đường rước lễ tới nhà thờ của thần Marduc. Thành Babylon rất kiên cố, phải qua 8 lớp thành mới vào tới được lớp trong cùng. Các nhà khảo cổ học phục dựng lại được lớp tường thành thứ 8 là lớp nhỏ nhất.
Cổng thành, đặt tên để tỏ lòng tôn kính nữ thần Ishtar, được xây bằng gạch xanh, trang trí bằng hoa và các con vật linh thiêng. Sư tử tượng trưng cho sự dũng mãnh. Dê núi là đại diện của thần thời tiết Adad. Trong số các con vật này rồng có lẽ là con vật huyền thoại nhất, đơn giản vì rồng không tồn tại mà là sản phẩm của trí tưởng tượng, là sự tổng hợp của các thế mạnh. Con rồng của thành Babylon là một con vật huyền thoại với đầu và thân của rắn, chân trước của sư tử, chân sau của chim và lại còn có cả vòi chích giống con bọ cạp. Rồng tượng trưng cho sự thông minh, nhanh nhẹn và quyền năng. Rồng là hiện thân của thần Marduk, vị thần bảo trợ cho thành phố như đã nói ở trên.
Để xứng đáng với quyền uy của nhà vua Nebuchadnezza II, phòng đặt ngai vàng cũng được xây dựng bề thế từ gạch xanh và các con sư tử dũng mãnh đang trong tư thế tiến lên. Các nhà khảo cổ đã phục dựng lại mặt tiền của căn phòng này (604-562 trước công nguyên).
Các nhà khảo cổ còn tìm thấy các ký tự khắc vào gạch xây tường và đã thành công trong việc giải nghĩa. Trích đoạn của đoạn văn này rõ ràng liên quan tới nhà vua Nebuchadnezza II “ta, [Nebuchadnezza II] đã đặt nền móng cho việc xây cổng vươn cao từ gạch xanh, và trang trí bằng các linh vật dũng mãnh sư sử, rồng và dê núi…để cho tất cả loài người đều phải ngưỡng mộ công trình này”.
Vua Nebuchadnezza II đã không nhầm, tất cả chúng ta, hơn 3000 năm sau phải ngưỡng mộ công trình này về tầm vóc của nó và tự đặt ra các câu hỏi vì sao một nền văn minh tồn tại cách đây hơn 3000 năm lại đã có thể phát triển tới vậy? Điều gì đã khiến nền văn minh này lụi tàn?
Tham khảo: Pergamon museum guide
Dê núi, biểu tượng của thần thời tiết Adad
Rồng thiêng, biểu tượng của thần Marduk