các vũ công nhảy múa

Irkutsk, thành phố được ví với Paris của vùng Siberia

“…and now, stands Irkutsk, taught by History and life, quiet and wise, well aware of its power and worth; reasonably famous, reasonably modest, reasonably cultured…” 

Bajkal land, Valentin Rasputin

Đánh cá trên sông Angara, Irkutsk

Irkutsk là thành phố đa tính cách.

Chúng tôi tới Irkutsk vào một ngày mùa hè tháng 7. Từ Bangkok, chiếc máy bay của hãng hàng không Siberia đáp xuống Irkutsk khi đã quá nửa đêm. Bắt taxi về khách sạn, chúng tôi ngủ ngon lành trong cái lạnh se se của đêm tháng 7.

Những ngày tiếp theo khi khám phá thành phố, tôi có cảm giác Irkutsk không giống bất cứ thành phố nào tôi đã đi qua. Irkutsk (từ 1661) là một thành phố trẻ mới khoảng 350 năm tuổi. Dân cư dưới 600.000, hầu hết là người Nga. Nhóm người dân tộc thiểu số lớn nhất là người Buryat, có gốc gác từ Mông cổ. 

tượng đài
Monument to founders of Irkutsk standing at Angara river

Những dấu ấn của lịch sử và cuộc sống năng động đã tạo nên sự thú vị trong diện mạo của Irkutsk. Thật lý thú khi dạo quanh thành phố và tự trải nghiệm theo dòng chảy của thời gian.

Khải hoàn môn của Irkutsk bên bờ sông Angara

Ở ngã ba của đại lộ Karl Marx và đường Livinova, có một bức tượng đồng một chú du khách đứng ngơ ngáo không biết đi đâu về đâu? Chúng tôi cũng như chú thôi. Hãy tự mình đi theo tấm bản đồ du lịch vì ở đây người dân hầu như không nói tiếng Anh!

Trong lịch sử, Irkutsk là trung tâm du lịch và thương mại của Siberia 

Irkutsk từng là một thành phố thương mại giàu có vì buôn bán lông thú, vàng và giao thương hàng hóa với Trung Quốc. Hồ Bajkal là lý do Irkutsk cởi mở hơn với người nước ngoài tới đây du lịch và làm việc ngay cả dưới thời Sovjet, trong thời kỳ “đóng cửa” nhất.

Nhà gạch đỏ của Joshua, thương gia do thái giàu nhất Irkutsk
Nhà của Joshua, thương gia người do thái từng giàu nhất Irkutsk

Ngôi nhà này từng thuộc sở hữu của người giàu nhất Irkutsk, ông Joshua Fineberg. Ông là người do thái, sở hữu mỏ vàng và là thương gia kỳ cựu.

Ông đã có nhiều đóng góp cho thành phố như xây dựng nhà hát thành phố và trường học. Dưới thời Sovjet ngôi nhà bị quốc hữu hóa. Từ năm 1989, ngôi nhà là trụ sở của Thư viện Irkutsk.

Irkutsk là thành phố của sự sùng đạo và đức tin.

Đi loanh quanh trong trung tâm thành phố, ta gặp nhiều nhà thờ Orthodox như Chaper of Our Lady of Kazan, Cathedral of the Theophany, Church of the Exaltation of the Holy Cross, Church of the Saviour.

Nhà thờ Theophany ở Irkutsk
Cathedral of the Theophany

Khi vào thăm nhà thờ Orthodox ở Irkutsk, những người phụ nữ sùng tín phải mang khăn che đầu. Ba cô váy đỏ ngắn cực kỳ hiện đại đi trước tôi, khi bưới chân qua cánh cửa nhà thờ lập tức biến thành những thiếu nữ sùng đạo trong khăn trùm đầu và nét mặt thành kính.

Trong nhà thờ Holly Trinity các bức tranh tường lớn kể lại các chương trong kinh thánh về đức chúa Jesu. Một điều khác biệt với các nhà thờ khác đó là nhà thờ Orthodox thường rực rỡ lát vàng.

Các bức tranh trong khung mạ vàng.Trong nhà thờ có rất nhiều nến, mỗi người dân vào thăm thắp một ngọn nến, thành kính làm dấu thánh giá, có người còn thành kính hôn chân đức chúa đang bị đóng đinh trên thánh giá.

Church of the Saviour, Irkutsk

Irkutsk từng là thành phố của những người lưu đầy.

Thế kỷ 19 và thế kỷ 20, Irkutsk từng là nơi lưu đầy của những người chống đối chế độ Nga hoàng (Tsar Nicholas I), sau này thêm những người Bolsheviks.

Trong số họ rất nhiều trí thức, nhà thơ, nhà văn. Có thời mà cứ hai người dân Irkutsk thì có một người lưu đầy. Những cư dân đặc biệt này đã để lại dấu ấn lên văn hóa lịch sử của Irkutsk. Họ cũng chính là chủ sở hữu của nhiều căn nhà gỗ nên thơ làm nên sự khác biệt với những nhà lắp ghép của thời Sovjet.

Tượng bán thân của nhà văn Marxim Gorkij tại Irkutsk
Nhà văn Marxim Gorkij tư lự nhìn Irkutsk đổi thay từng ngày

Irkuts nên thơ với những ngôi nhà gỗ

Một nét rất quyến rũ của Irkutsk là những ngôi nhà gỗ. Một nét nhấn kiến trúc khá độc đáo của Irkutsk là những ngôi nhà hoàn toàn bằng gỗ với những ô cửa số trạm trổ đủ sắc màu.

Những cánh rừng tajga rộng lớn cung cấp một khối lượng gỗ khổng lồ. Trước đây, thành phố này có những dãy phố nhà gỗ một tầng trạm trổ cầu kỳ đứng san sát nhau. Sau này, qua những thời kỳ kinh tế phát triển, sự bảo tồn di sản và những ngôi nhà gỗ không được coi là quan trọng và nhà gỗ mai một dần.

Ngày nay, Irkutsk đã không còn những ngôi nhà gỗ thật sự cổ kính của thế kỷ 18 nữa. Việc bảo tồn nhà gỗ ở Irkutsk cũng cam go như bảo tồn phố cổ Hà Nội. Chúng tôi đi tìm chụp ảnh những căn nhà gỗ hiếm hoi còn sót lại.

Nhà gỗ ở Irkutsk
Một trong những ngôi nhà gỗ hiếm hoi còn lại ở Irkutsk

Irkutsk từng là thành phố Sovjet tiêu biểu

Trong thế kỷ 20, cơn bão của cuộc cách mạng tháng 10 Nga quét qua Irkutsk và để lại dấu ấn rõ nét. Thành phố vẫn còn mang đậm nét của một thời xã hội chủ nghĩa.

Có thể cảm nhận rất rõ tính cách này ở sân bay Irkutsk. Chúng tôi tới sân bay Irkutsk vào lúc 1 giờ đêm. Ở phòng chờ nhập cảnh nhỏ hẹp  như ga tàu xép, ai muốn xếp hàng thế nào cũng được.

Tại phòng chờ nhập cảnh, chúng tôi gặp một đoàn công dân Uzbekistan cũng chờ làm thủ tục

Các chú công an cửa khẩu rề rà xem xét kiểu đi đâu mà vội. Chiếc hộ chiếu công vụ của một số người trong đoàn làm các chú công an cửa khẩu phải hội ý mãi cuối cùng ra quyết định là người có hộ chiếu công vụ thì được vào Irkutsk 3 tháng, còn hộ chiếu phổ thông thì được nhập cảnh đúng số ngày trong visa.

Nhưng cũng có những thực tế khác khiến tôi bừng tỉnh là đã không còn nữa một liên bang Sovjet. Chúng tôi đã gặp một đoàn công dân từ nước cộng hòa Uzbekistan. Họ cũng đang chờ làm thủ tục như chúng tôi. Ah, vì Uzbekistan đã không còn trực thuộc liên bang nữa mà là một nước độc lập rồi.

Đường phố Irkutsk

Kinh tế thay đổi, phong cách không dễ đổi thay

Sau này khi vào trong thành phố, mỗi nơi chúng tôi đến, thủ tục kiểm tra giấy tờ với khách du lịch được thực hiện rất nghiêm túc.

Tuy đã có visa vào Nga, qua cửa khẩu, chúng tôi vẫn được cấp thêm một tờ giấy ghi rõ thời gian được phép ở Nga. Mỗi khi tới một nơi tạm trú mới, chúng tôi phải đăng ký và khi rời khách sạn, chúng tôi lại được cấp một tờ giấy ghi rõ ngày đến và ngày đi. Tất nhiên không thể thiếu con dấu và chữ ký của phụ trách khách sạn trên những giấy tờ đó.

Irkutsk là thành phố hội nhập và đổi mới

Sau khi liên bang Nga tan rã, Irkutsk trở thành một thành phố của thời hội nhập. Khi đã vào thành phố, những chiếc xe ô tô lada, tàu điện và trolli bus, những nét quen thuộc một thời xã hội chủ nghĩa những năm 80, song song chạy trên đường cùng với với Mercedes, Toyota….

Một điều lý thú, ở các phố chính và đại lộ lớn luôn vang lên tiếng nhạc của những bài ca nổi tiếng thập kỷ 80 (the Beatle, Abba, Phil Colin…). Thời gian như ngừng trôi và dừng lại ở những năm tháng đó.

Đường phố Irkutsk vui nhộn với những hits của những năm 80  

Irkutsk không quên quá khứ

Nhưng sự hội nhập không làm thành phố quên đi những nhân vật lịch sử có công trong phát triển Irkutsk cũng như các liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh. Khắp thành phố, khách du lịch có thể gặp những bức tượng bán thân hoặc toàn thân của những người đã có công gây dựng và đóng góp cho thành phố. Đại lộ Lê Nin được đặt tên từ 1920. 

Ông Lenin đứng trên đại lộ Lê nin, nhìn thẳng ra đại lộ Karl Max, chỉ hướng đi cho vô sản toàn thế giới trong tư thế đứng quen thuộc của ông.

Lenin trên đại lộ Lenin nhìn ra đại lộ Karl Marx
Bảo tàng nghệ thuật Sukachyov

Irkutsk là trung tâm văn hóa của vùng Siberia.

Người đã có công lớn do văn hóa của thành phố là Sukachyov. Ông đã hiến bộ sưu tầm nghệ thuật của mình cho thành phố và trong thời kỳ làm thị trưởng thành phố đã nỗ lực hết mình để nâng tầm văn hóa cho Irkutsk.

Chúng tôi đã tới thăm quan một số bảo tàng của Irkutsk như  bảo tàng Valentin Rasputin, bảo tàng tranh nghệ thuật Irkuts, bảo tàng về trang phục của các thầy cúng trong tôn giáo Shaman. Bảo tàng này còn trưng bày đồ gỗ cổ.

Irkutsk để lại ấn tượng trong chúng tôi vì những nét tính cách độc đáo và lịch sử thăng trầm. Irkutsk, hồ Bajkal và những người dân đôn hậu làm chúng tôi nhớ mãi../. 201707

Các bức ảnh yêu thích của tôi ở Irkutsk

Vườn hoa trung tâm thành phố Irkutsk
Câu cá trên sông Angara
Trụ sở của ủy ban nhân dân thành phố
Đài kỷ niệm các liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh thế giới thứ II
Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại
Thề nguyện trọn đời bên dòng sông Angara
Irkutsk sôi động và hội nhập
Thả bộ khi thành phố đã lên đèn

Ảnh: V.H.L

Tham khảo:

1.Bajkal Land, Valentin Rasputin

2.Wikipedia