Có bao giờ Đà Lạt hết mộng mơ

“Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ

Màu lan tím Đà Lạt sương phủ mờ”

Đà Lạt Hoàng Hôn, một bài hát nổi tiếng về Đà Lạt, đã mô tả rất có hồn một Đà Lạt sương bay khói phủ, Đà Lạt của mộng mơ, cô liêu và buồn man mác. Có lẽ khí hậu mát mẻ của Đà Lạt, màu xanh của núi rừng cao nguyên, sự mộng mơ của sông suối đã cho lữ khách cảm giác cô đơn và lãng đãng buồn chăng?

Đà Lạt ngày nay đã khác nhiều. Vẻ thanh vắng cô liêu đã nhường chỗ cho phố xá đông vui tấp nập. Hồn xưa của Đà Lạt chưa mất, nhưng phải kiếm tìm. Tôi đã tới Đà Lạt không chỉ một lần. Tuy lần nào cũng vội nhưng tôi đều khám phá thêm những nét mới của Đà Lạt qua mỗi lần thăm.

Trung tâm thành phố Đà Lạt 

là nơi tập trung đông khách du lịch nhất. Đà Lạt đô thị, Đà Lạt phồn vinh và đông đúc.

Chợ đêm ở trung tâm thành phố Đà Lạt

thường lúc nào cũng rất đông người. Ở đây có bán nhiều đồ len, đồ móc làm bằng tay rất yêu. Các món đặc sản Đà Lạt như mứt dâu, chè, Artiso các loại bày bán rất nhiều. Chưa hết, các món ăn bình dân như khoai nướng, mực xé tỏa hương ấm áp trong trời se lạnh.

Hồ Xuân Hương, trái tim thành phố

Đà Lạt mộng mơ sao có thể thiếu hồ Xuân Hương. Hồ Xuân Hương về đêm khác hẳn với vào buổi sớm tinh mơ. Đừng bỏ qua việc chạy bộ quanh hồ vào những buổi sáng tinh mơ, khi mặt hồ vẫn còn đẫm hơi sương, hàng liễu rũ im lìm trong không khí thì vô cùng thoáng đãng.

Công viên hoa của thành phố

Phía Bắc của Hồ Xuân Hương, thung lũng Đồi Củ

Khu công viên này rộng thoáng đãng trên diện tích 7000 m2 với trăm hoa đua nở. Đây cũng là nơi tổ chức lễ hội hoa Đà Lạt hằng năm.

Các nhà thờ thiên chúa giáo ở Đà Lạt

Nhà thờ Con gà

Địa chỉ: 15 Trần Phú

Nhà lớn nhất ở Đà Lạt theo phong cách kiến trúc Roman với chóp nhọn và mái vòm. Tôi không rõ nhà thờ này được trùng tu gần nhất là khi nào vì trái với sự lâu đời của nó (từ 1932), nhà thờ có phong cách trẻ, khỏe khoắn và mới mẻ.

Nhà thờ Domaine De Marie (1930)

Đường Ngô Quyền, cách trung tâm TP. khoảng 1 km

Nhà thờ có phong cách kiến trúc hoàn toàn khác nhà thờ Con gà. Nhà thờ này nằm trên một ngọn đồi thấp, độc đáo ở màu hồng, không thông lệ với nhà thờ, và ở kiến trúc mái, có hình giống như nhà rông. Các đường viền trang trí cũng lạ. Vẻ đẹp độc đáo và sự bình yên của nhà thờ này thu hút đông khách du lịch tới thăm.

Đây là nơi yên nghỉ của một người phụ nữ Pháp, bà Decoux, vốn là vợ của quan toàn quyền Đông Dương Decoux. Bà là người có công quyên góp xây dựng nhà thờ này. Trong một lần đi từ Sài Gòn ra Đà Lạt để giải quyết mâu thuẫn giữa Nam Phương Hoàng Hậu và bà thứ phi Mộng Điệp bà đã gặp tai nạn và tử vong. Có thể nói là bà chết vì một lý do không “đáng”…nhưng nếu nghĩ tới địa vị cao của những người có liên quan, thì đây có thể là một cái chết trong khi hoàn thành sứ mệnh ngoại giao cao cả. Phía sau nhà thờ này là một khu vườn tuyệt đẹp.

Chùa phật ở Đà Lạt

Thiền Viện Trúc Lâm

Cách trung tâm Đà Lạt 5km

Thiền viện lớn nhất tỉnh Lâm Đồng này có vị trí đẹp  hiếm có. Thiền viện nằm trên núi cao, giữa núi rừng cao nguyên và soi bóng trên hồ Tuyền Lâm.

Các tín đồ tìm tới thiền viện để thoát xa sự náo nhiệt tới xô bồ của cuộc sống dưới núi. Tuy nhiên, trong những đợt cao điểm khách du lịch, thiền viện lại trở thành nơi chụp ảnh, thăm quan. Vì vậy, không thể tránh khỏi sự ồn ào trần thế.

Lần đầu tiên tới đây, tôi đi đường bộ. Mải mê ngắm hoa cùng bao du khách quên lối về. Năm 2020 quay trở lại đây, tôi đã đi cáp treo tới thiền viện. Diện tích hoa đã thu nhỏ đáng kể tuy khách thăm hoa vẫn còn đông. 

Từ thiền viện theo con đường nhỏ xuống tới hồ Tuyền Lâm. Ở đây có thể bắt thuyền đi dạo trên hồ.

Chùa Linh Quang

Địa chỉ: 133 Đường Hai Bà Trưng

Ngôi chùa cổ nhất của Đà Lạt, từ 1933, được cho là nơi khởi nguồn của đạo phật ở Đà Lạt. Một hình ảnh nổi tiếng về chùa là tượng phật đứng trên một con rồng dài uốn lượn.

Chùa Linh Phước

Cách trung tâm TP.Đà Lạt khoảng 8km

Một ngôi chùa độc đáo về phong cách kiến trúc và rất khác với các ngôi chùa thờ phật khác. Chùa và tất cả các pho tượng phật, tượng rồng, sư tử, công bên trong đều có nhiều màu sắc. Thêm vào đó là  trang trí bằng những mảnh sành gốm. Chùa thu hút khá đông khách hiếu kỳ tham quan. 

Các điểm du lịch Đà Lạt

Thác Cam Ly

Ngọn thác rất nổi tiếng vào những năm 1970 này nằm gần trung tâm TP.Đà Lạt. Cam Ly từng tồn tại trong bao thi ca. Thác có một vườn hoa nhỏ, có dựng các con vật cảnh như hươu, nai, ngựa vằn để trang trí.

Đẹp thơ mộng bao nhiêu trong thi ca, thác gây thất vọng cho người tới thăm bấy nhiêu. Đô thị hóa và sự bất lực của những người coi sóc đã bức tử thác Cam Ly. Nước xả thải của thành phố đang cho chảy thẳng vào Cam Ly và làm cho thác Cam Ly bị ô nhiễm nghiêm trọng. Màu đen và mùi hôi của nước đã khiến khách thăm rời xa.

Tôi mong có ngày chính quyền thành phố có biện pháp khôi phục lại cảnh quan của thác Cam Ly, giúp cho khách thăm được thấy lại vẻ đẹp của cảnh quan nổi tiếng này. Trong khu vực thác Cam Ly có khu thờ ông Nguyễn Hữu Hào là cha đẻ của Nam Phương hoàng hậu.

Nước thải thành phố đã bức tử ngọn thác thơ mộng này ….

Thác Prenn trên đèo Prenn

Ngọn thác nổi tiếng này vẫn đẹp nhưng ngày càng trở thành một công viên vui chơi đông đúc và dường như  đã trở nên quá “touristy”.

Thác Datanla trên đèo Prenn

Ngọc thác cách trung tâm thành phố 10km này có nước chảy siết, địa hình hiểm trở.  Nước siết chảy qua các gành đá tạo thuận lợi cho tổ chức các trò chơi mạo hiểm. Trượt máng Datanla hay đu dây là những trò chơi được yêu thích. Nhưng cũng do địa hình hiểm trở, nơi đây đã từng xảy ra tai nạn với khách du lịch. 

Năm 2020, tôi có kỷ niệm vượt thác khó quên ở Datanla.

LangBiang

Lên đỉnh LangBiang phải đi xe Jeep. Xe phóng nhanh, ta chỉ sợ rơi ra khỏi xe. Theo huyền thoại, LangBiang là tên ghép của một đôi trai gái. Do không lấy được nhau nên lấy cái chết để hẹn thề muôn kiếp. Mộ hai người trở thành hai ngọn núi cạnh nhau, ngọn núi LangBiang.

Cô bé K’Ho này đang ngồi bán đồ thổ cẩm trên đỉnh Lang Biang.

Làng Cù Lần

Lên làng Cù Lần, giống lên Langbiang, phải đi xe jeep. Lái xe cố tình đưa khách thành phố qua những cung đường sống trâu lồi lõm và còn lội suối nước bắn tung để trải nghiệm tuy cũng có thể đi đường trải nhựa thênh thang :-)).

Tôi khá ấn tượng với các pho tượng gỗ gồ ghề thô tháp trưng bày ở trong khu vực này. Sự thô sơ toát lên một vẻ đẹp mộc mạc và độc đáo.

Tượng gỗ ở làng Cù Lần

Thung lũng Vàng cách trung tâm thành phố 15 km

Một địa điểm piknik tuyệt vời với cỏ xanh, hồ nước và hoa cẩm tú cầu, hoa phượng tím…và đặc biệt là rất nhiều hoa anh đào. Tới đây, ta hiểu vì sao Đà Lạt còn có tên là thành phố của hoa anh đào.

Có rất nhiều người/đoàn người tới đây picnik cùng gia đình bạn bè. Họ mang theo đồ ăn và khăn trải ra ngay trên bãi cỏ, tận hưởng không khí trong lành của cao nguyên.

Các điểm lịch sử

Dinh Bảo Đại

1 Triệu Việt Vương, phường 4, Đà Lạt

Dinh Bảo Đại

Nếu tới Đà Lạt, đừng bỏ qua dinh Bảo Đại. Bảo Đại có ba ngôi biệt thự ở thành phố Đà Lạt và hay tới đây sống và làm việc vào mùa hè. Nổi tiếng là một người biết hưởng thụ cuộc sống, ông có nhiều người tình xinh đẹp trong đó người được sủng ái nhất là nguyên phi Mộng Điệp. Trong số các ngôi biệt thự thì dinh 3 được gìn giữ tốt nhất và có nhiều khách tới thăm nhất.

Biệt thự nằm giữa đồi thông, có vườn cảnh trang trí đơn giản nhưng phong cách. Ta có thể thăm phòng làm việc, phòng tiếp khách v.v..của vị vua sành điệu này.

Dinh Lệ Xuân

Số 2 đường Yết Kiêu, phường 5, Đà Lạt, cách trung tâm khoảng 3 km

Đà Lạt là khu nghỉ mát sang trọng bậc nhất một thời. Chính vì vậy mà các chính khách, hoàng tộc và các thương gia Pháp giàu có đều có biệt thự nghỉ mát ở Đà Lạt để nghỉ ngơi, thư giãn, thể hiện đẳng cấp của mình.

Biệt điện Lệ Xuân ở Đà Lạt là một trong những tòa biệt thự đẹp và nổi tiếng nhất vì sự nổi tiếng của chủ nhân, về mức độ đầu tư, về sự chịu chơi….Biệt điện có 3 tòa nhà là Lam Ngọc, Bạch Ngọc và Hồng Ngọc. Đặc biệt, biệt điện có vườn hoa do kiến trúc sư Nhật Bản thiết kế. Khu biệt thự còn là nơi lưu giữ bộ sưu tập mộc bản quốc gia một thời thuộc sở hữu của ông Nhu.

Đà Lạt và nghệ thuật

Vườn tượng

1 Yên Thế, phường 10, Đà Lạt

Đây cũng chính là nhà của kiến trúc sư, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. Ngôi nhà nhỏ xinh đẹp nằm dưới những gốc đào, trong rừng thông Yên Thế. Tác giả trưng bày vườn tượng với chủ đề nhân loại và khát vọng hòa bình. Trong nhà ông cũng có rất nhiều tư liệu, ảnh. Một tác phẩm trong vườn tượng của Phạm Văn Hạng

Ở đâu ở Đà Lạt

Ana Mandara Villas Dalat có ma

Địa chỉ: Lê Lai, phường 5, trung tâm thành phố Đà Lạt.

Vẻ mộng mơ, thanh vắng cô liêu, rừng thông cùng không khí se lạnh của Đà Lạt tạo bầu khí quyển thích hợp cho những câu chuyện ma. Có  những ngôi biệt sự bỏ hoang trên đèo Prenn, trong rừng thông có tên là biệt thự ma ám. Nếu muốn nếm trải cảm giác rờn rợn thế nào là nghỉ trong một biệt thự bị ma ám, hãy chọn Ana Mandara Đà Lạt, khu nghỉ dưỡng cao cấp theo phong cách kiến trúc Pháp cổ thời Đông Dương.

Ana Mandara resort

Tôi tới Ana Mandara vào năm 2013 nhân một chuyến công tác. Lái xe đưa tôi đi qua những con đường vắng dưới những hàng thông khi trời vừa sập tối. Những lối đi quanh co lát đá dẫn khách tới phòng nghỉ. Những ngọn đèn nhỏ mờ ảo chỉ giúp ta nhìn thấy đường đi một cách lờ mờ.

Tôi ở tầng 1 trong một căn biệt thự có hai tầng. Nội thất đều theo phong cách cổ: đồng hồ cổ, điện thoại cổ, bàn ghế cổ, sách cổ, tượng trang trí cổ…..đều theo những gam be, nâu,..trầm mặc.

Phòng ngủ có lò sưởi kiểu cổ và cửa gỗ truyền thống nhìn ra khu vườn bao quanh rất nhiều hoa dâm bụt. Trong phòng có bồn tắm lớn theo kiểu cổ với lớp rèm che dày. Giường ngủ cũng kiểu cổ với cột cỗ bốn góc và màn buông. Mọi thứ xung quanh đều mang lại một không gian rất tĩnh và lắng đọng.

Giường và gối rất êm giúp ta chìm sâu vào giấc ngủ. Nhưng khoảng nửa đêm, những tiếng động khe khẽ xung quanh có thể làm ta giật mình tỉnh giấc: tiếng lò sưởi bật tí tách, tiếng chân ai đi rón rén trên thang gỗ để lên tầng trên, tiếng cửa mở ra rồi đóng lại…

Một số cô bạn trong đoàn tôi không dám ở trong phòng một mình mà bỏ phòng sang ngủ cùng với nhau cho đỡ sợ mặt dù giá thuê phòng đâu có rẻ. Tôi thì mặc dù cũng rợn lắm quyết định cứ ngủ cùng với “the invisible other” xem sao :-))).

Terracotta Đà Lạt 

có một vị trí tuyệt vời bên hồ Tuyền Lâm và trong rừng thông xanh. Khu nghỉ dưỡng này hiện đang là một trong những địa chỉ được yêu thích ở Đà Lạt. Tôi tới thăm nơi đây năm 2020 và mong muốn sẽ có ngày quay trở lại đây cùng với gia đình và bè bạn

Khu biệt thự Hằng Nga [Crazy house]

Địa chỉ số 3 Huỳnh Thúc Kháng

Là một khu thăm quan đồng thời là nhà nghỉ trong khuôn viên 2000m2. Chủ nhân của ngôi nhà là KTS Hằng Nga, con gái của TBT Trường Chinh.

Ngôi nhà xây dựng theo phong cách không giống ai. Có vẻ như nhà của các nhân vật trong bộ phim “the Flinstone” sống ở đây.

Các ngôi nhà được xây như đẽo vào núi đá, gồ ghề, cong queo, không thẳng nét. Những phòng nghỉ chật hẹp có đủ tiện nghi tối thiểu như Toilette, TV….Cầu thang hẹp, dốc, đưa lên phòng. Bạn có bao giờ muốn trải nghiệm ngủ tại đây không?

Ngoài những khách sạn “lập dị” như trên vẫn còn những khách sạn truyền thống.

Saphir Đà Lạt

Muốn sống lại những năm 70-80, hãy tới với kháchsạn Saphir Đà Lạt. Khách sạn tạo khác biệt với kiểu trang trí nội thất với máy hát cổ, ti vi cổ, xe cổ etc. 

Sài Gòn – Đà Lạt

thì hay được các công ty tổ chức hội nghị hội thảo do có phòng họp lớn.

Khách sạn Mường Thanh Holiday Đà Lạt 

là khách sạn có vị trí thuận tiện, chỉ cách Hồ Xuân Hương vài phút đi bộ. Khách đi công tác hay nghỉ ở khách sạn này.

Ăn gì ở Đà Lạt?

Artiso là đặc sản của Đà Lạt. Canh Atiso hầm với thịt là đặc sản ở đây

Đặc sản Atiso hầm chân giò

Cơm tấm thịt nướng gỗ thông thơm lừng ăn với canh chua cá nấu dọc mùng.

Nhà hàng Nhật Ly, 88 Phan Đình Phùng, Đà Lạt có nhiều món ngon. Tôi thích nhất món chân giò quay và món xa lát tươi nõn. Giá có vẻ hơi đắt chút đỉnh.

Tiệm cơm Hoa Đào, 4 Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng khá là đông khách. Các món ăn ở đây là những món ăn bình dân được ưa chuộng…cá kèo, canh chua cá lóc v.v..

Nhà hàng Bích Câu 2 ở phố Mạc Đĩnh Chi có các món ăn hải sản cũng khá được.

Quán ăn Mai Hương, số 5 Nguyễn Văn Trỗi, tp.Đà Lạt, nơi ta thưởng thức các món ăn Hà Nội chính hiệu

Ngói BBQ ở Bùi Thị Xuân dành cho những người thích ăn món nướng

Chefs Đà Lạt dành cho bạn nếu bạn muốn ăn các món tây ở Đà Lạt.

Đừng quên la cà thưởng thức các món ăn đường phố. Ngoài khoai nướng, ngô nướng, mực nướng còn có bánh giấy, kem bơ. Các loại sữa đậu (nành, xanh, phộng, mè) ở góc đường Trương Công Định theo tôi là ngon nhất. Trong đó, sữa đậu xanh là ngon hơn cả 🙂

Cà Phê Đà Lạt

Đà Lạt là xứ xở Cà phê. Ngồi cà phê vỉa hè Đà Lạt có cái thú riêng của nó. :-))

Cà phê Tùng nơi LY SƠN gặp nhau: vạn vật đổi thay, tình yêu với cà phê ở lại. Sữa chua ở đây cũng rất là ngon. Xế cửa cà phê tùng là bức tường vàng Cối Xay Gió. Điểm check-in yêu thích của giới trẻ khi tới Đà Lạt.

Cà Phê Long Triều là một quán cà phê truyền thống và lâu đời. Bạn có thể mua cà phê tự sản xuất ở đây. 

Địa chỉ: số 2 Le Lai, phường 5, TP.Đà Lạt (cạnh Ana Mandara)

Cà Phê Vĩnh Ích là địa chỉ yêu thích của dân Đà Lạt để mua cà phê xay và nguyên hạt cùng các loại chè. Khách du lịch thì hay ra Langfarm mua đồ tặng bao gói đẹp.

Địa chỉ:  số 4 Nguyễn Chí Thanh

Quán cà phê Ngôi nhà xưa là một quán cà phê lưu giữ vẻ thi vị của Đà Lạt xưa. Quán nằm trên đồi cao, trong rừng thông. Phong cách trang trí nội thất độc đáo với gỗ, báo, sách cũ…kéo ta về Đà Lạt những năm xưa với cả trời yên tĩnh. 

Tường lát gỗ, sách cũ, những chiếc gối êm, và những bông hoa xinh xắn là cả một trời yên tĩnh trong quán cà phê ngôi nhà xưa
Quán cà phê Căn Nhà Xưa ở Đà Lạt

Chợ Đà Lạt

Buổi sáng tinh sương là lúc các phiên chợ rau quả họp. Attiso, dâu tây, các loại rau quả bày bán rất nhiều.

Những búp hoa Atiso được xếp thành hình những ngọn núi nhỏ và được bày bán nhiều ở chợ Đà Lạt. Ngưỡng mộ loại hoa đa di năng này, thành phố có cho dựng tượng hình hoa atiso ở trung tâm thành phố
Atiso là đặc sản của Đà Lạt

Đà Lạt ngày nay đã mất đi nhiều vẻ xưa bởi nhịp sống đô thị sôi nổi. Hãy khám phá hồn xưa Đà Lạt qua những khoảng khắc, góc phố…..khi tới thăm nơi đây../.