Người lính Điện Biên

Thăm Điện Biên Phủ để nhớ một thời kỳ oanh liệt đã qua

Chúng tôi tiếc đã không tới thăm Điện Biên Phủ sớm hơn

Điện Biên Phủ được nhắc tới nhiều trong những giờ học lịch sử khi tôi còn ngồi trên ghế học trò. Tuy vậy, mãi tới năm 2019, tôi mới có dịp cùng gia đình đi “thăm sâu, thăm kỹ” Điện Biên Phủ. Trong chuyến đi này tôi đã tới thăm thành phố Điện Biên, bảo tàng Điện Biên Phủ, đồi A1, đồi D1, hầm Đờ-Cát. Trong hai ngày lưu lại, tôi đã trải nghiệm các sắc thái khí hậu của Điện Biên trong những ngày tháng 5. Gió lào nóng rát vào ban ngày, sương mù như sữa đặc khi sáng sớm, mưa rừng rào rạt xối xả chợt tới không báo trước. Cũng những ngày này, trong thời tiết này 65 năm trước, nơi đây là chiến trường một mất một còn. 

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu

Qua những bài học lịch sử, chúng tôi cũng đã được nghe về diễn biến trận đánh và những ý nghĩa lịch sử lớn lao.

Đó là dấu mốc thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp; tạo động lực cho làn sóng chống lại chế độ thuộc địa kiểu cũ trên toàn cầu từ Châu Á tới châu Phi; ngày mà Goliat giật mình nhận ra sức mạnh của David.

Những bài học của tôi

Biết vậy, nhưng thật sự rất “thấm” khi có mặt ngay trên chiến trường xưa. Cuộc chiến năm xưa quá khốc liệt và thương đau. Tự hào đấy mà ngậm ngùi đấy. Để có được chiến thắng ấy, chúng ta cũng đã phải trả giá đắt, rất đắt, bằng tính mạng của bao chiến sỹ. Những con người hết sức bình thường trong cuộc sống hàng ngày nhưng trong chiến trận lại là những anh hùng cảm tử không tiếc máu xương của mình.

Đằng sau những câu chuyện lịch sử bao giờ cũng có nhiều câu chuyện công bố hoặc không công bố. Trong bài viết này, tôi dựa trên những điều mắt thấy tai nghe và tự rút ra một số điều cho chính bản thân.

Sức mạnh tinh thần là một vũ khí không thể coi thường

Ý chí quyết chiến của quân đội nhân dân Việt Nam, được hun đúc trong bối cảnh đặc biệt của những ngày chống Pháp, là thép tôi không thể nào bẻ gẫy. Ý chí này khi đã có thì bất chấp cả sự đau đớn thể xác và hy sinh tính mạng. Những người lính năm xưa thật sự là những chiến sỹ cảm tử quân.

Hơn 4000 liệt sỹ nằm xuống ở Điện Biên Phủ, phần lớn là chưa tìm ra tên. Nghĩa trang các liệt sỹ hy sinh, ở cạnh đồi A1, chỉ có vài ngôi mộ có tên trong đó có 4 ngôi mộ của các liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót và Trần Can. Chiến trận khốc liệt và thiếu thốn đã không có điều kiện để lưu danh mỗi một người lính hy sinh.

Sự đoàn kết, đồng lòng sẽ nhân sức mạnh của mỗi cá nhân lên rất nhiều lần

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, một nét đặc trưng là “đồng lòng”. Ở đây là giữa quân và dân. Bộ đội chủ lực, dân quân tiếp vận, đồng bào dân tộc, bộ binh, pháo binh, công binh, anh nuôi….tất cả cùng hướng về một mục tiêu giải phóng Điện Biên.

Chính sự đồng lòng này đã làm nên điều kỳ diệu. Lực lượng quân Việt Nam là xe thồ, xẻng quốc, vũ khí thô sơ….Cao nhất chỉ là pháo binh. Trong khi quân Pháp trang bị vũ khí tối tân hơn rất nhiều lần, có cả máy bay và xe tăng. 

Vậy mà, đội quân thô sơ ấy đã kéo pháo được lên đồi cao. Thồ lương thực đi bộ hàng trăm km. Đào hàng trăm km đường hào siết chặt vòng vây quân Pháp.

Mở đường cho chiến dịch Điện Biên
Mở đường cho chiến dịch Điện Biên

Sự chủ quan khinh địch là lý do Pháp thất bại

Quân Pháp thua trận vì khinh địch. Pháp cậy sở hữu đội lính tinh nhuệ và nhiều vũ khí tối tân gấp nhiều lần đối phương. Quân Pháp cho rằng ĐBP là “pháo đài bất khả xâm phạm”. Tướng Đờ Cát đã kiêu ngạo, ngông cuồng, rải truyền đơn thách thức tướng Giáp quyết chiến tại ĐBP.

Trong khi đó, Pháp  lại không hiểu rõ thực lực của đối thủ. Pháp đã ngạc nhiên tới sững sờ khi tiếng pháo của đối phương vang trên đồi cao và nhằm rất trúng mục tiêu. Sự sai lầm này đã khiến cho vị tướng chỉ huy pháo binh của Pháp phải tự tử vì tuyệt vọng.

Mỗi quyết định của người lãnh đạo là trách nhiệm, là máu xương

Trong trận Điện Biên Phủ, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra quyết định khó khăn nhất của đời mình. Ông đã phải suy nghĩ 11 ngày đêm khi đổi từ chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”.

Quyết định này dựa trên sự thay đổi tình hình mới và để chắc thắng trong trận đánh. Nhiều ý kiến không đồng tình do sẽ có nhiều khó khăn phát sinh. Quân ngũ nhiều người bất mãn. Trên đường kéo pháo ra, khẩu pháo đứt dây lao xuống vực. Liệt sỹ Tô Vĩnh Diện đã lấy thân mình chèn pháo và đã hy sinh. 

Đánh chắc cũng có nghĩa là kéo dài thời gian chuẩn bị. Từ đánh “hai ngày, ba đêm” sang “gần hai tháng”. Sự thay đổi về chiến lược này được cho là mang lại chiến thắng cuối cùng.

Hoà bình là vô giá, chiến tranh là vô nghĩa

Trong chiến dịch ĐBP, cả ta và Pháp đều có hàng ngàn binh sỹ hy sinh. Nỗi đau mất con của bà mẹ nào mà chẳng giống nhau, đâu phụ thuộc vào quốc tịch, màu da.

Chính vì vậy, được sống trong tự do và hòa bình là hạnh phúc lớn nhất của một đời người. 

Trong cuộc sống sôi động ngày hôm nay, có khi nào chúng ta quên đi những câu chuyện lịch sử.

Sau chuyến đi đầy ý nghĩa này, tôi tiếc là đã không cùng gia đình và các con tới thăm nơi đây sớm hơn.

Xa hơn nữa, tôi còn mong có nhiều hơn những người chúng ta tới thăm nơi đây để cùng tưởng nhớ các liệt sỹ ở Điện Biên Phủ.  7/5/2019.

https://www.youtube.com/watch?v=nLz-4nEjg1I

Tham khảo: wikepedia

Bảo tàng hình chiếc mũ
Bảo tàng Điện Biên Phủ thiết kế theo hình chiếc mũ của các chiến sỹ quân đội nhân dân VN.

 

Đồi A1 là nơi cam go nhất
Đánh đồi A1 là trận cam go nhất. Có tới gần 2000 chiến sỹ hy sinh, thương vong thì vô kể.  Hai bên giành giật nhau từng tấc đất. Sau khi chiếm được đồi A1, quân đội Việt Nam tiến công được vào trụ sở cứ điểm Điện Biên.
Người lính Điện Biên
Chúng tôi may mắn gặp gặp một chứng nhân lịch sử trên đồi A1. Tên ông là Lương Văn Long, quê ở Bắc Giang. Năm nay ông 94 tuổi, từng thuộc sư đoàn 308 đánh đồi A1. Ông ngồi trầm tư trên mảnh đất phủ kín máu xương của đồng đội năm xưa.
Mộ của các chiến sỹ Điện Biên
Nghĩa trang của các chiến sỹ đồi A1. Linh hồn các chiến sỹ có lẽ vẫn còn như ở quanh đây. Trong đám mây ráng vàng xa xa kia.
Hầm Đờ Cát
Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát lợp sắt, được bảo vệ bằng các bao cát chống đạn. Trong hầm có nhiều ngăn nhỏ. Bàn và ghế sắt dã chiến. Một nét đặc sắc là chiếc bồn tắm của Đờ Cát. Nhiều máy điện đài còn giữ được
Cầu Mường Thanh Điện Biên
Cầu Mường Thanh Điện Biên cũng đã từng xảy ra những trận giao tranh khốc liệt
Tượng đài chiến thắng Điện Biên
Tượng đài chiến thắng Điện Biên bằng đồng đen trên đỉnh đồi D1.