Chùa Phổ Quang xưa và nay

Tới chùa Phổ Quang bằng cách nào?

Trên cả nước có nhiều ngôi chùa mang tên Phổ Quang như chùa Phổ Quang ở thành phố Hồ Chí Minh, chùa Phổ Quang ở phố Cát Linh và chùa Phổ Quang ở quận Long Biên Hà Nội.

Chùa Phổ Quang Hà Nội nằm cách trung tâm thành phố tầm 15km, tại phường Giang Biên, Quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Trong những ngày đẹp trời, ta có thể đi bằng xe máy tới thăm chùa. Đi qua hai cây cầu là cầu Chương Dương và cầu Đuống…..

Chùa Phổ Quang nằm cách xa mặt đường, có vẻ biệt lập với xung quanh, ngay bên cạnh là một trạm phát điện, phía sau chùa là đồng lúa và xa xa hơn nữa là những tòa nhà cao ốc.

Khi chúng tôi tới thăm, chùa đang được sang sửa, cát vun thành đống bên ngoài bức tường và bên trong ngôi chùa. Đi qua cổng gạch hình vòm có cây leo vào sân chùa.

Chùa Phổ Quang xưa

Theo một số nguồn thông tin, chùa Phổ Quang là một ngôi chùa được xây từ thời nhà Trần, vào khoảng thế kỷ 12. Sau chiến tranh, chùa đã qua nhiều lần trùng tu. Khi tới đây, cũng có thể hình dung lại một thời xa xưa của ngôi chùa này. Chùa được xây ở ven đê, giữa những cánh đồng lúa, trên một diện tích khá rộng. Sân chùa có nhiều cây xanh như duối, khế etc đã lâu năm.

Sau chùa là ruộng lúa. Xa xa là những tòa cao ốc mới xây

Cổng chùa hiện đang mở cho khách tham quan là cổng bên. Còn cổng chính xưa là cổng tam quan lại ở phía sau, hướng về phía một cánh đồng lúa. Hiện nay, cổng Tam Quan đang bịt lại và không sử dụng làm lối ra vào.

Cổng Tam Quan có hình đầu rồng, đầu hổ khá cầu kỳ. Nơi đây có treo chuông đồng và khánh đá. Đứng từ đây có thể nhìn thấy rất rõ phong cách kiến trúc xưa của chùa.

Chùa được xây dọc theo một trục thẳng. Đầu tiên là cổng tam quan, rồi tới nhà Tiền Đường hay còn gọi là Tam Bảo. Thẳng tới là Thượng điện. Hai bên các công trình trên trục thẳng là hai hồ nước đối xứng, giống hệt nhau, hình bán nguyệt. Bên phía tay trái có một vườn bưởi rộng, sai trĩu trịt.

Chùa Phổ Quang ngày nay

Sau bao thăng trầm của lịch sử, chùa Phổ Quang ngày nay chỉ còn giữ lại được một số bức tượng. Trong nhà Tiền Đường có bức tượng phật nghìn tay, nghìn mắt bằng đồng khá đẹp.

Số tượng phật trên các gian thờ cũng không quá nhiều so với nhiều chùa khác.

Những bức tranh vẽ trên tường về lời răn của đức Phật cũng rất sát với thời nay như việc dạy phật tử phải tiết kiệm điện nước và bảo vệ môi trường, bên cạnh nhiều lời dạy thiết thực khác.

Trong gian Thượng Điện, các đồ vật được trưng bày cũng khá pha trộn giữa xưa và nay. Bên cạnh chiếc sập gụ bằng gỗ cổ kính là chiếc bàn Hòa Phát mặt nhựa, chân sắt. Một chiếc đàn piano là vật trang trí không thường gặp trong một ngôi chùa cổ. Một vị sư trẻ đang mải mê học một bài kinh bằng điện thoại di động.

Giữa cổng tam quan và tiền đường đã dựng một sân có mái che, có màn hình LG, loa và sân khấu của thời nay.

Bên cạnh tòa thượng điện là khu nhà ở hai tầng của các sư và tiểu. Những bóng áo nâu sồng đi lại đôn đốc công việc xây dựng trong chùa. Một vị sư như vừa đi công tác xa về kéo vali bốn bánh lững thững đi vào khu nhà ở. Một điều thú vị các các vị sư ở chùa này đều nói tiếng miền Nam. Theo bài báo đăng trên trang giadinhvaphapluat.vn thì sư trụ trì của chùa tới từ Bà Rịa, Vũng Tàu.

Cũng may là mặc dù đội ngũ nhà chùa bận rộn, chúng tôi chỉ gặp rất ít gặp khách thăm và được thảnh thơi ngắm cảnh chùa. Khu vực mà chúng tôi khá yêu thích là vườn trồng bưởi rất rộng và sai quả. Hương bưởi tỏa hương nhè nhẹ trong không gian.

https://giadinhvaphapluat.vn/ha-noi-loi-thinh-cau-cua-dan-lang-va-phat-tu-chua-pho-quang-p61971.html

Xem thêm: Những bức ảnh tôi thích về chùa Phổ Quang