Angkor Wat the City Temple

Angkor Wat, đỉnh cao của kiến trúc Khmer

“Công trình này có chỗ đứng trang trọng bên cạnh những công trình đẹp nhất của chúng ta. Nó vĩ đại hơn tất cả những gì người Hy Lạp hay La Mã để lại cho chúng ta”_Henri Mouhot

Lên kế hoạch mãi cuối cùng thì gia đình tôi cũng đi thăm Siem Reap hồi tết dương lịch 2015. Trong chuyến đi thăm khu di tích khảo cổ Angkor, có một điều làm tôi vẫn còn tiếc nuối và ấm ức. Chiếc máy ảnh bị dính nước biển mấy hôm trước do tôi sơ ý nên lăn đùng ra hỏng.

Vì vậy, chúng tôi phải dùng iphone để chụp hình một công trình ấn tượng nhất Đông Nam Á là Angkor Wat. Không thể không bực mình.  😆   

Angkor Wat là niềm tự hào lớn của Campuchia.

Angkor Wat trên quốc kỳ Cambodia
Cambodia Flag

Tới mức, hình ảnh của ngôi đền này được đưa lên quốc kỳ. Hoàn toàn có thể hiểu được lý do. Angkor Wat là công trình kiến trúc tôn giáo lớn nhất khu vực Đông Nam Á, mang trong mình những giá trị lịch sử, nghệ thuật lớn lao.

Lịch sử

Sư tử đá quyền lực ở Angkor Wat
Sư tử đá tượng trưng cho sức mạnh, ngày đêm canh giữ Angkor Wat

Đế chế Angkor là một đế chế hùng mạnh, chiếm lĩnh vùng lãnh thổ rộng lớn từ thế kỷ 9 tới thế kỷ 15. Sự hùng mạnh đạt tới đỉnh điểm trong các thế kỷ 11-13.

Cùng với sức mạnh quân sự, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc cũng phát triển vượt bậc. Đế chế nào trong lịch sử mà chả để lại những di tích tôn giáo quan trọng. Angkor Wat là công trình lớn nhất mà đế chế Angkor để lại cho hậu thế.

Hành lang dài nối các công trình
Các công trình ở bốn góc nối với nhau bằng hành lang đá

Cái tên Angkor Wat có nghĩa là “ngôi đền thiêng liêng của đất nước”. 

Công trình này xây vào đầu thế kỷ 12 bởi nhà vua Suryavarman II. Tên ông có nghĩa là “người bảo vệ mặt trời”.

Theo các nhà khảo cổ, thì ngoài việc phục vụ cho mục đích tôn giáo, Angkor Wat còn được xây để làm lăng tẩm của vua Suryavarman II sau khi ông mất.

Angkor Wat thờ thần Vishnu

Tranh đá Angkor Wat
Các bề mặt công trình phủ kín tranh đá, đỉnh cao của nghệ thuật Khmer

Người Khmer xưa quan niệm, những ngôi đền thờ chính là nhà ở của các vị thần. Vì vậy, để chứng tỏ mình được các thần linh bảo trợ, các vị vua đời sau thường xây các đền đài lớn hơn các đời trước. Quan điểm này có vẻ giống với quan niệm của người Việt xưa nhỉ?

Tranh đá Angkor Wat
Những bức tranh đá tỉ mỉ, chi tiết ở Angkor Wat

Thế kỷ 12, đạo Hindu hưng thịnh ở Angkor. Các công trình kiến trúc thời này thường xây để thờ thần Shiva. Điều khác biệt với phần lớn các ngôi đền Hindu thờ thần Shiva, Angkor Wat lại là một công trình tôn giáo thờ thần Visnu.

Công trình đá Angkor Wat
Angkor Wat, công trình đá còn mãi với thời gian

Quá trình xây dựng

Vua Suryavarman đã thật sự là “chơi trội” so với tất cả các đời vua trước với Angkor Wat. Công cuộc xây dựng đền mất hơn 30 năm. 300.000 người thợ tham gia xây đền. Công trình bắt đầu xây khi nhà vua lên ngôi và hoàn thiện sau khi ông mất.

Hành lang đá dài hun hút
Hành lang đá ở Angkor Wat

Các cuộc chiến tranh liên miên với người Champa và Xiêm đã khiến đế chế Angkor sụp đổ vào thế kỷ 15. Angkor Wat bị bỏ hoang rồi dần bị lãng quên. Mãi tới thế kỷ 19, công trình được phát hiện bởi một nhà thám hiểm người Pháp Henri Mouhot.

Kiến trúc độc nhất vô nhị

Angkor Wat được hào nước sâu bao quanh
Angkor Wat, Siem Reap, Cambodia – source Shankar

Angkor Wat là một công trình hình chữ nhật, bằng đá. Bao xung quanh là hào nước sâu. Bốn góc có bốn ngọn tháp. Ngọn tháp lớn nhất nằm ở chính giữa. Hành lang dài nối bốn tháp xung quanh với nhau.

Churning the Sea of Milk
Tranh đá “Churning the Sea of Milk”, một thần thoại Hindu

Những người thợ Khmer vô danh đã khắc gần như kín hết các bề mặt đá. Những bức tranh đá tinh xảo kể lại những huyền thoại trong đạo Hindu. Một trong những tích đó là “churning the Sea of Mulk”. Cuộc giao tranh giữa thiên thần và ác quỷ để đạt sự bất tử. Visnu đích thân chỉ đạo cuộc chiến.

Angkor Wat
Angkor Wat, Siem Reap, Cambodia. source_Peter Garnhum

Vũ trụ thu nhỏ

Ý tưởng xây dựng từ quan niệm vũ trụ của đạo Hindu và đạo phật. Hào bao quanh là đại dương bao quanh những ngọn núi. Ngọn tháp lớn nhất ở chính giữa hình búp, có 5 tầng, tượng trưng cho 5 tầng của ngọn núi thiêng Meru. Núi Meru là nhà của các vị thần trong cả hai đạo Hindu và đạo Phật. 

Rắn thần Naga
Rắn thần Naga linh thiêng của đạo Hindu

Một điều cũng lý thú là sự hài hòa chung sống giữa đạo Hindu và đạo Phật. Sau này Angkor Wat chuyển thành một nơi thờ phật giáo.

Các nhà sư thường thấy ở Angkor Wat
Gặp các nhà sư ở Angkor Wat  là điều hết sức bình thường

Thấy tận mắt sự kỳ vĩ của Angkor Wat, tôi cứ không thể lý giải được vì sao mà từ 1000 năm trước, những người thợ Khmer đã có khả năng làm nên được một công trình vĩ đại tới vậy. Phải chăng trình độ nghệ thuật, kiến trúc không luôn luôn đồng nghĩa với với các kỹ thuật hiện đại và cơ sở vật chất đủ đầy. 1/2015

Tranh đá ở Ankor Wat cho thấy trình độ rất cao của những người thợ vô danh
Rèm đá chạm khắc tinh xảo ở Angkor Wat
Rèm đá ở Angkor Wat

Điều gì xảy ra ở Angkor sau khi vua Suryavarman II mất.

Xem tiếp thành phố vĩ đại Angkor Thom và Bayon.

Tham khảo:

https://en.wikipedia.org/wiki/Angkor

https://www.khanacademy.org/humanities/ap-art-history/south-east-se-asia/cambodia-art/a/angkor-wat