Dubai bùng nổ với tham vọng và các kỷ lục thế giới
Tháng 5, 2018 lần đầu tiên tôi có dịp tới thăm một nước ở Trung Đông là Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Trước đây, tôi thường chỉ transit qua Dubai, nhưng chưa bao giờ nhập cảnh vào nước này.
Tôi chỉ có những hình dung rất sơ nét về Dubai qua thông tin đại chúng, và từ những lần transit ở sân bay. Đọng lại trong trí nhớ là các cửa hàng vàng, cát và sa mạc, lạc đà. Những người phụ nữ mặc áo choàng đen và đeo tràng mạng. Những công trình kỷ lục thế giới như Palm Jumeraih. Công trình gây tranh cãi hình cây cọ vươn biển. Tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới.
Mặc gì ở Dubai cũng là vấn đề khiến tôi băn khoăn. Để cho cẩn thận, tôi mang toàn quần áo dài tay kín mít. Không quên một khăn choàng đầu khổ rộng :-)))
Từ Madrid, chuyến bay của hàng không Emirates đáp cánh xuống Dubai lúc đã quá 12 giờ đêm. Sân bay T3 của Dubai chật kín người nhập cảnh. Mặc dù các bàn công an cửa khẩu làm việc hết công suất, phải mất gần 2 tiếng tôi mới ra khỏi được sân bay. Nhập vào hàng người đợi taxi dài lê thê ở sân bay, tôi về tới khách sạn khi đã hơn 2 giờ sáng.
Sau ngày đầu tiên ở Dubai, tôi đã biết nhiều hơn về thành phố này và dưới đây là những điều tôi thu lượm được ở Dubai.
Chế độ chính trị
Dubai có chế độ quân chủ tuyệt đối dưới sự điều hành đất nước của hoàng gia. Chủ tịch nước và thủ tướng đều là người trong hoàng tộc. Dubai không có bầu cử dân chủ. Các thành viên trong nội các do hoàng gia quyết định.
Vị lãnh đạo được lòng dân tên là Sheikh Zayed
Trên khắp các ngả đường của Dubai và Abu Dhabi, tôi đều thấy hình ảnh, tên đường phố đặt theo tên của Sheikh Zayed bin Sultan Al Nahyan, chủ tịch đầu tiên của các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Năm 2018 kỷ niệm 100 năm ngày sinh của vị lãnh đạo này.
Sheikh nghĩa là vua, là người lãnh đạo. Ở Dubai, hoàng gia nắm quyền hành tuyệt đối và quyết định bộ máy lãnh đạo của đất nước…nghĩa là hoàn toàn không có bầu cử dân chủ. Vua và thủ tướng đều do hoàng gia quyết định. Lãnh đạo của Dubai và Abu Dhabi cùng là người trong hoàng tộc. Rất nhiều tên đường phố, tượng đài, những công trình …mang tên các thành viên của hoàng tộc.
Dubai luôn sẵn sàng cho các cuộc đua giành kỷ lục
Chỉ mấy hôm trước, khi còn ngồi bên bờ biển ở Lisbon, nghe nhạc, uống bia lạnh dưới nắng nhạt và gió nhẹ tôi có cảm giác hạnh phúc thật giản đơn. Khi sang Dubai tôi lại thấy rằng hạnh phúc là phải đạt được các kỷ lục thế giới.
Dubai luôn hướng tới những cái nhất. Tháp Burj Khalipha cao nhất thế giới. Dubai Fountain ấn tượng nhất. Đường truyền internet nhanh nhất. Đường đua công thức nhanh nhất. Dubai Mall lớn nhất. Palm Jumerats là công trình táo bạo nhất. etc…Đi dạo trong thành phố ta có thể làm một bộ sưu tập về các tháp chọc trời, kiểu dáng khác nhau.
Dubai tham vọng, hướng tới tương lai với tầm nhìn dài hạn
Dubai là một trong những vùng phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng nhất thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển ngoạn mục này chỉ mới trong vòng 50 năm gần đây. Năm 1958, lần đầu tiên dầu mỏ được phát hiện, đánh dấu sự đi lên không ngừng của UAE.
Với tầm nhìn dài hạn, các lãnh đạo của thành phố đã nhìn thấy trước một ngày trữ lượng dầu tất yếu sẽ cạn kiệt. Những nhà lãnh đạo đã mạnh tay chi tiền từ dầu mỏ và phát triển hạ tầng, du lịch, thương mại, y tế giáo dục. Hoài bão của Dubai là trở thành trung tâm thương mại, là cảng hàng không kết nối toàn cầu, là trung tâm công nghệ thông tin v.v….Quy hoạch trên những mục tiêu này khá là đồng bộ và tập trung ví dụ internet city, health care city, media city etc…Dưới đây là một số trải nghiệm của tôi về du lịch ở Dubai.
Bubai là một thành phố công nghệ cao, internet ở đây nhanh và truy cập rộng rãi tại những điểm công cộng. Tuy sóng wifi trong nước phổ biến và tốt là thế, nhưng mà chú ý là các cuộc gọi viber và messenger ra nước ngoài đều bị phá sóng nhé.
Không lo lạc đường vì tiếng Anh sử dụng khá rộng rãi. Hầu hết người dân đều nói tiếng Anh khá tốt nên tôi không gặp khó khăn trong việc hỏi đường.
Giao thông ở Dubai
Thành phố này tự hào là một đất nước an toàn vào loại nhất thế giới. Nhưng…tôi không cho là như vậy. Dubai cũng như những nơi khác, nếu không cẩn thận ta vẫn có thể bị lừa, hoặc rơi vào những tình thế trớ trêu như bất cứ thành phố nào khác trên thế giới này.
Tuy taxi vẫn là phương tiện giao thông phổ biến nhất ở Dubai, bạn sẽ bỏ qua một trải nghiệm thú vị nếu không thử đi các phương tiện công cộng rất thuận tiện ở Dubai. Tuy nhiên, tôi cho rằng các lái xe taxi của Dubai cư xử khá phản cảm khi khách đi cuốc ngắn. Họ công khai càu nhàu và tỏ ra không lịch sự. Phần lớn lái xe taxi tới từ Pakistan hoặc Ấn Độ.
Vậy đi ở Dubai có an toàn cho phụ nữ không? Một nhận xét nữa là tôi thấy có rất ít phụ nữ làm việc. Trong các cửa hàng chủ yếu là đàn ông đứng bán hàng. Có thể là do các quy định của đạo hồi. Tuy vậy, ở đâu cũng vậy, chẳng bao giờ nên chủ quan. Nếu đi vào ban đêm thì taxi là một phương tiện tương đối an toàn hơn cả vì các lái xe đều phải đăng ký với cơ quan quản lý (RTA).
Trang phục thì thế nào?
Khác với sự quan ngại của tôi về trang phục, tôi thấy Dubai là thành phố quốc tế với trang phục khá cởi mở. Bên cạnh áo choàng đen và mạng che chỉ hở hai con mắt là váy ngắn, quần bó… như ở bất kỳ thành phố châu Âu nào. Sự khắt khe trong trang phục tuy vậy khá nghiêm ngặt khi đi thăm các nhà thờ hồi giáo. Chỉ có một số nhà thờ hồi giáo mở cửa cho người nước ngoài vào thăm. Khi vào thăm cũng phải tuân theo các quy định nghiêm túc.
Những cư dân UAE, họ là ai?
Từ Dubai đi Abu Dhabi, tôi đi với ABC tour. Người hướng dẫn viên du lịch của tôi tên là Anna. Anna gầy nhỏ, da ngăm ngăm, nói tiếng Anh cũng ổn. Anh rất nhiệt tình giới thiệu về thành phố, đất nước và những công trình cho đoàn khách của chúng tôi. Anh luôn dùng từ “we” với vẻ rất tự hào.
Tuy nhiên, Anna không phải là công dân UAE mà tới từ Ấn Độ. Giống như hơn 8 triệu người nước ngoài sinh sống ở đất nước này, anh làm ăn sinh sống ở đây. UAE có khoảng 10 triệu người sinh sống, trong đó chỉ có khoảng 1.4 triệu có quốc tịch UAE. Những người nước ngoài ở đây chính là những người đã tạo nên những công trình kỷ lục. Số đông tới từ Ấn Độ, Phillipines, Pakistan, Bangladesh…Có cả một số người Việt Nam làm ăn sinh sống ở UAE. Tuy nhập quốc tịch là điều rất khó khăn, người nước ngoài có thể xin giấy phép lao động. Thời hạn của giấy phép lao động thường là năm gia hạn một lần. Giới hạn tuổi lao động là 65 tuổi.
Công việc nặng nhọc người nước ngoài đã làm hết rồi, vậy người UAE sống ra sao?
Điều kiện kinh doanh ở Dubai khá phức tạp. Nói chung nên qua môi giới để xin giấy phép kinh doanh. Một điều kiện để người nước ngoài được làm ăn, kinh doanh ở Dubai là phải được người có quốc tịch UAE bảo trợ. Nhiệm vụ của người bảo trợ chỉ là đứng tên bảo trợ và không hề phải góp vốn kinh doanh. Còn người xin giấy phép kinh doanh thì sẽ phải trả phí bảo trợ! Để phát triển kinh tế, chính phủ cho phép các doanh nghiệp lớn đầu tư dài hạn được chế độ free zone, nghĩa là không cần có người bảo trợ.
Nước sạch có phải là vấn đề ở UAE không?
Lượng mưa ở UAE là không đáng kể. Đất nước sa mạc này thiếu nước trầm trọng quanh năm. Vậy Dubai làm thế nào để có nước mà phát triển kinh tế và du lịch. Với một lượng nước biển và nguồn tiền dồi dào từ dầu mỏ, không có gì là không thể giải quyết được. Nhà mày lọc muối lấy nước ngọt cung cấp nước sinh hoạt cho toàn thành phố. Nước thải sau sinh hoạt được tận dụng để tưới cây. Vì vậy mà Dubai, nhất là Abu Dhabi vẫn có những công viên cây xanh, tuy cọ vẫn là loại cây chủ yếu nhất.
Tiền tệ: AED. 1 USD equal 3.61 AED. Đổi tiền rất tiện ở mọi nơi. Tỷ giá có thể giao động một chút nhưng không nhiều.
Mùa du lịch: Dubai nóng nhưng không tới mức không thể chịu được. Hình dung đi ở HN, HCM vào mùa nóng cao điểm tháng 7 và tháng 8 sẽ có cảm giác như ở Dubai. Mùa cao điểm du lịch là từ tháng 11 tới tháng 4 khi đã bớt nóng. Hằng năm, có tháng Ramadan cũng ít khách du lịch. Tháng Ramadan năm 2018 sẽ rơi vào 17 May – 21 Jun.
Các điểm tôi đi thăm ở Dubai
Dubai Mall
Dubai Mall hiện nắm kỷ lục trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới, rất ấn tượng với Fashion Avenue, với màn hình quảng cáo lượn sóng có màu sắc thay đổi và Dubai Acquarium. Người đi mua sắm có thể ngắm những chú cá mập, cá đuối và nhiều loại cá biển khác bơi lội nhởn nhơ qua những tấm kính trong suốt.
Dubai Acquarium
Dubai Acquarium nằm trong Dubai Mall: hình ảnh rất trực quan sinh động khi mà ngay từ trong quầy bán vé đã có thể quan sát các mập, cá đuối và các con cá nhiều màu sắc tung tăng bơi lội cùng các người nhái.
Dubai Fountains
Người xem sẽ thật sự ấn tượng với các màn trình diễn ngoạn mục của nước, nhạc và ánh sáng….
Dubai Khalifa
Tháp Khalifa cao tới hơn 829 m hiện đang giữ kỷ lục cao nhất thế giới. Theo tiếng Ả rập Burj nghĩa là tháp. Tháp Khalifa được lấy tên theo Sheikh Zayed Khalifa Bin Zayed Al Nahyan, chủ tịch đương thời của UAE. Người tham quan tháp có thể lên tới hai độ cao là tầng 125 và tầng 148. Ban đêm nhìn từ tháp Khalifa xuống toàn thành phố là trải nghiệm thực sự ấn tượng. Toàn thành phố sáng đèn như sao sa. Với iphone cùi bắp của mình, tôi không thể nào mô tả được hết sự hoành tráng. Tầng trên cùng, khách có thể ăn bánh ngọt và uống nước miễn phí. Trên đỉnh tháp ấn tượng là thế, người dưới chân tháp cũng được trải nghiệm bữa tiệc ánh sáng khi tháp Khalifa đổi màu theo tiếng nhạc.
Từ trên tầng cao nhất của Khalifa nhìn xuống Dubai giống như một mạch điện khổng lồ, màu sắc rực rỡ
Dubai Opera
Dubai Opera có hình một con thuyền lớn. Từ Dubai Mall đi bộ theo đường viền của Dubai Fountains khoảng 10 phút là tới.
Trong Dubai mall có một địa điểm chụp hình ấn tượng là Dubai Waterfall. Tháp nước rơi thẳng từ trên xuống với hình tượng những con người đang nhảy cầu.
Dubai Jumeirah Mosque
Tượng trưng cho sự sùng đạo ở Dubai, nhà thờ hồi giáo này chỉ cho phép dân ngoại đạo tới thăm nhưng theo các giờ thăm quan nhất định.
Deira và có các chợ truyền thống nổi tiếng của Dubai
Trước hết phải kể tới chợ bán vàng (Gold Souk). Tuy rằng vàng ở Dubai trong những năm gần đây đã không còn dồi dào như trước ta vẫn rất ấn tượng về số lượng và kiểu dáng phong phú của các mặt hàng trưng bày ở đây. Quả thực là vượt xa các nơi khác về sự giàu có. Vàng ở khu này chủ yếu là vàng 22 carat. Các thương nhân ở đây cũng hay nói thách lắm đấy. :-))
The Spice Souk
Các mặt hàng bày nhiều nhất là saffron có nguồn gốc từ Iran, Pakistan…hoa cúc khô, hoa hồng khô, các loại chè lá rất phổ biến.
The Creek
Cuộc sống trước đây diễn ra xung quanh khu vực creek. Một bên là khu chợ truyền thống và bên kia là bảo tàng Dubai, Hindu Lane và Grand Mosque. Có thể đi thuyền sang bờ bên kia để mà giá chỉ có 1 AED.
Dubai Museum
Thăm Dubai Museum để biết về quá khứ của Dubai. Thành phố này rất hướng về phía trước và để lại quá khứ trong các bảo tàng. Khó có thể hình dung một Dubai trước đây toàn cát, không có nước, và cuộc sống chật vật nhọc nhằn với lạc đà và cây chà là nếu không tới thăm Dubai Museum. Bảo tàng này nằm trong lòng một ngôi thành cổ. Các hiện vật trưng bày cũng khá là trực quan sinh động.
The Grand Mosque của Dubai
Có thể chụp ảnh từ bên ngoài vì người không theo đạo hồi không được phép vào bên trong. Nhà thờ này vẫn theo truyền thống là tín nam và tín nữ phải đi theo hai lối khác nhau, tách biệt hẳn nhau vào cầu nguyện.
Khu chợ của người Hindu
Ngay phía sau của nhà thờ hồi giáo Dubai bán toàn vải vóc, đồ lưu niệm và gia vị. Phần lớn những người bán hàng đều đến từ Ấn Độ và đều là nam giới. Tôi không hề thấy người phụ nữ nào đứng bán hàng.
The Palm Jumera
Sau một hồi mò mẫm đổi từ metro sang tàu điện rồi Monorail tôi đã tới Atlantis hotel của Palm Jumera, có nghĩa là tôi đã đi dọc theo thân cây cọ từ gốc tới đỉnh. Tôi tới Atlantis thì trời đã sập tối. Atlantis giống như một lâu đài cổ tích nằm bên bờ biển. Mặc dầu Atlantis được giới thiệu hoành tráng, tôi không có ấn tượng gì đặc biệt với công trình này.
The Dubai Frame
Công trình này xây dựng để chào đón Expo 2020. Leo lên đỉnh tháp cũng có nhiều điều thú vị. Đây là nơi ta thấy rõ nhất tham vọng tương lai của Dubai. Từ cửa vào, khách được dẫn qua “Dubai của quá khứ” với sa mạc mênh mông, người dân nghèo khó làm nghề cực nhọc như lặn biển lấy ngọc trai hoặc nghề thủ công….những túp lều lụp xụp. Cuộc đời đổi thay từ khi tìm ra dầu mỏ. Khách sẽ được đưa thang máy lên độ cao 150m để nhìn thành phố từ trên cao. Một phía là Dubai cổ kính và phía bên kia là Dubai mới. Đi dạo trên những tấm kính dày từ độ cao đó thấy cứ ghê ghê. Khi đi xuống, thang máy lại đưa ta tới Dubai của tương lai với cuộc cách mạng 4.0, nơi hoàn toàn tự động hóa với những người máy thông minh và máy in 3D. Người trần mắt thịt của chúng ta sẽ làm gì trong cuộc cách mạng 4.0?
The Madinat Jumerat Souk
Khi tôi tới thăm khu chợ này thì trời đã tối. Vậy mà vẫn có thể nhận ra đây là một nơi tuyệt đẹp và rất đáng đi xem. Chợ này gần với ga metro Mall of the Emirates trong khoảng cách đi bộ. Từ đây, có thể nhìn sang biểu tượng của Dubai là khách sạn Jumeraih Dubai liên tục đổi sang các màu sắc khác nhau.
Khách sạn Jumeraih Dubai
Jumeraih Dubai là một biểu tượng khác của thành phố này. Thiết kế táo bạo hình một con thuyền trên bờ biển. Phải đặt chỗ trước mới vào được khu bờ biển của khách sạn. Còn không thì cứ ngắm từ xa thôi!
Dubai là trung tâm kinh tế thương mại, là nơi làm giàu theo đúng nghĩa. Trừ dân số ít ỏi của Dubai, có tới 80% số người làm ăn sinh sống ở đây là người nước ngoài. Dubai đối với họ chỉ là nơi sống, làm việc và cơ hội kiếm tiền nhanh. Dubai dường như là một công ty khổng lồ. Nhân viên là người nước ngoài đủ các quốc tịch. Ông chủ và ban điều hành là những người mang quốc tịch UAE. Ở đây, tiền và kỷ lục tạo nên đẳng cấp. Với sự giàu tới từ trữ lượng dầu mỏ dồi dào, Dubai đầu tư cho tương lai dài hạn. Một điều chắc chắn là các công trình của Dubai là trí tuệ siêu việt của con người. Ở đây, không có gì là không thể./. Dubai, tháng 5/2018.
Một ngày với Abu Dhabi