hình khắc trên tường gạch cổ

Thánh địa Mỹ Sơn, cái lò gạch hay là kỳ quan của nhân loại?

Thánh địa Mỹ Sơn đã từng là khu vực tôn giáo linh thiêng của vương quốc Chăm Pa. Thời gian xây dựng trải dài từ thế kỷ 4 tới thế kỷ 14. Vương quốc Chăm Pa ngày ấy theo đạo Hindu. Mỹ Sơn dành thờ thần Shiva, vị thần có sức mạnh nhất trong đạo Hindu.

Sau 1000 năm tồn tại, vương quốc Chăm Pa bị diệt vong hoàn toàn vào thế kỷ 18. Mỹ Sơn từ đó bị rơi vào quên lãng trong rừng rậm. Khi được người Pháp phát hiện ra từ hơn 100 năm trước, Mỹ Sơn vẫn còn 70 tháp trong trạng thái có thể bảo tồn. 

Các nhà khảo cổ học đã so sánh Mỹ Sơn với Angkor của Campuchia; Borobudur của Indonesia và Ayutthaya của Thái Lan. 

Tuy vậy, số phận Mỹ Sơn hẩm hiu hơn cả. 

Những trận bom dội trong cuộc chiến với Mỹ đã phá hủy hơn một nửa số di tích còn lại. Hiện nay chỉ còn khoảng 30 di tích để cho chúng ta tới thăm và chiêm ngưỡng.

Mỹ Sơn chính là hiện thân của sự sáng tạo kỳ diệu và sự phá hủy ngu tối của con người. 

May thay, năm 1999, Mỹ Sơn được Unesco công nhận và di sản văn hóa thế giới và được bảo tồn.

Quan điểm về cái đẹp và tầm quan trọng của Mỹ Sơn rất khác nhau

Khi tới thăm Mỹ Sơn, rất nhiều người đã thất vọng. Những gì còn lại của di tích thật quá sơ sài và nghèo nàn. Chỉ còn một số tháp thấp xây bằng gạch đỏ. Phần lớn đều không nguyên vẹn. Các hình trang trí mất mát rất nhiều. Những công trình đã được trùng tu vẫn nhìn ra được sự lệch pha mặc dù đã có những nỗ lực làm giống y như cũ. 

Điều nan giải nhất với các nhà trùng tu là không thể lặp lại được kỹ thuật xây bằng gạch của người Chăm Pa. Những viên gạch không cần gắn bằng vữa (như thời nay) mà vẫn khít.

Nhiều người đã thất vọng về vẻ đơn sơ của “cái lò gạch Mỹ Sơn”. 

Vẻ đẹp của Mỹ Sơn là thiên thời địa lợi nhân hòa :-)))

Cá nhân tôi đã tới thăm Mỹ Sơn một hai lần trước đây. Luôn đi cùng với đoàn lớn. Lần nào cũng rất đông đúc. Thời tiết nắng nóng chói chang. Tôi cũng đã từng nghĩ Mỹ Sơn sao có thể so sánh với Borobudur, Angkor, Ayuthaya….

Tuy nhiên, năm 2022 khi trở lại Mỹ Sơn tôi đã thay đổi quan điểm và nhìn ra được vẻ đẹp tuyệt vời của khu thánh địa. Vẻ đẹp lay động tới tận tâm can. Cả một trời tiếc nuối cho một công trình kỳ diệu mà phải chịu sự tàn phá nghiệt ngã tới vậy. 

Chuyến đi này khác với những lần trước ở chỗ chúng tôi tới đây vào mùa vắng khách du lịch. Thời tiết rất đẹp, nắng vàng dịu với những cơn gió thơm mát và trong trẻo. Cả khu di tích chỉ có một vài người khách thẩn thơ dạo bước và ngắm thật kỹ các công trình. Và tôi đã nhận ra những nét riêng riêng làm nên vẻ đẹp tổng hòa của Mỹ Sơn.

Khu thánh địa nằm trong một thung lũng xanh, bao quanh là những ngọn núi và rừng nguyên sinh. Tiếng chim hót líu lo trên những ngọn cây, tiếng côn trùng rỉ rả. Trong không gian đó hiện lên những phế tích của Mỹ Sơn nằm trong các nhóm chính. Đẹp kỳ diệu.

Các công trình của thánh địa Mỹ Sơn

Mỹ Sơn hiện nay chỉ còn khoảng 30 đền – tháp nằm theo các nhóm chính là các nhóm A, B, C, D, E, F, G, H, K. Trong đó chỉ có nhóm C là còn đủ các tháp như khi mới tìm ra (7 tháp). Các nhóm còn lại đều đã mất mát nhiều.

Các tháp ở Mỹ Sơn đại diện có các phong cách kiến trúc Chăm Pa theo các thời kỳ. 

Nhóm H, xây vào thế kỷ 13, chỉ có một phế tích. 

Phế tích duy nhất còn lại ở nhóm H

Nhóm C, xây từ thế kỷ 8-12, còn 7 phế tích. 

Phế tích nằm trong một thung lũng xanh, cỏ mọc xanh rì

Ngay bên cạnh nhóm C là nhóm B, xây từ thế kỷ 7-13. Ở khu vực này có thể xem được hình trang trí trên các di tích. 

Bia chữ Phạn ở nhóm B

Gần nhóm B và C có một phòng trưng bày các hiện vật khảo cổ tìm thấy ở Mỹ Sơn. Số lượng khiêm tốn, tình trạng sứt mẻ nhưng đủ để thấy vẻ đẹp huy hoàng ban đầu. 

Khi tới nhóm G xây vào thế kỷ 12, hãy chú ý chụp hình 4 chú sư tử bằng sa thạch ở bốn góc. Ở đây có tới 52 vẻ mặt Kala. Không hình nào giống hình nào rất thú vị. Tôi nghĩ rằng phần lớn hình trang trí này đã được trùng tu rồi.

Gương mặt Kala ở tháp G

Rất tiếc là các nhóm E, F, K chỉ còn ít di tích và trong trạng thái bỏ hoang, cỏ mọc lút chân.

Khi trở ra chúng tôi chọn đi bộ trong bóng râm mát của những hàng cây cao và tiếng chim hót líu lo thanh bình. Có thể hiểu vì sao thung lũng huyền bí này lại được chọn làm khu thánh địa. Huyền bí, u tịch, linh thiêng. 

Thăm Mỹ Sơn thời Covid

Mỹ Sơn cách phố cổ Hội An tầm 40km về phía Tây. Nếu có dư dả thời gian thì có thể đi xe máy. Cách tiện lợi khác là thuê ô tô. Giá cả đi lẫn về là 650k/xe. 

Giá vé vào cửa là 100.000 VND/người. Xe điện đón khách từ cổng vào di tích rồi lại đưa trở ra. Người lái xe tâm sự, đợt này vắng khách quá. Cả khu có tới 10 xe điện đủ để phục vụ hơn 2000 khách một ngày. Nay chỉ có 1 xe điện hoạt động mà thôi.

Khu di tích mở cửa từ 6h30-17h00 để đón khách thăm quan.

Thời COVID, thêm thủ tục khai báo trên PC COVID, đo nhiệt độ và sát trùng tay trước khi vào di tích. 

Chúng tôi để ý thấy lối vào của người nước ngoài và của người Việt Nam khác nhau. Bản quản lý Mỹ Sơn đã phân luồng như vậy để giữ an toàn COVID.

Lời kết

Nếu ta chỉ nhìn tình trạng đổ nát hiện tại của Mỹ Sơn, ta có thể chưa nhìn thấy hết vẻ đẹp và sự linh thiêng của khu thánh địa. Sự huyền bí diệu kỳ của Mỹ Sơn phải được lồng trong lịch sử nghìn năm tồn tại của đất nước Chăm Pa, đời sống tôn giáo của dân tộc Chăm Pa và bàn tay khối óc của những người thợ Chăm Pa.

Mỹ Sơn là di tích tuyệt vời nhất mà chúng tôi đã tới thăm ở tỉnh Quảng Nam. 1/2022