10 điểm danh thắng không thể bỏ qua ở Pleiku

1.Biển hồ T’Nưng

Đường Tôn Đức Thắng, thành phố Pleiku

Hồ nước trong xanh
Biển hồ T’Nưng

“không dám nhìn vào đôi mắt ấy

Đôi mắt Pleiku biển hồ đầy”

Mặt nước có tia nắng soi
Đánh cá trên Biển Hồ T’Nưng

Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã giới thiệu biển hồ T’Nưng tới người dưới xuôi như vậy đó. Đẹp tới vậy, biểu tượng tới vậy nên chưa tới biển hồ T’Nưng thì chưa tới Pleiku.

Biển Hồ T’Nưng gồm có ba hồ nước lớn chảy thông nhau. Theo Wikipedia thì các hồ T’Nưng trước đây là ba miệng núi lửa. Nước hồ luôn trong xanh phẳng lặng  Độ sâu của T’Nưng thì không ai biết chính xác. Chỉ biết là rất sâu. 

Tới thăm biển hồ theo cách truyền thống là ta sẽ đi qua cổng chính, rồi dọc theo con đường trải bê tông, dọc theo hai hàng thông xanh tới ngắm biển hồ. 

Biển Hồ là tài sản vô giá của Pleiku, giúp thanh lọc không khí của thành phố.

Lá phổi rộng mênh mông luôn trong xanh này là không gjan thiên nhiên lúc nào cũng thoáng đãng, trong lành. 

Chỉ đi dạo quanh biển hồ, ngửi mùi nhựa thông thơm, hít thở không khí trong lành đã là một bài thuốc vô giá cho sức khỏe và tinh thần.

Lau sậy bên bờ Biển Hồ T’Nưng

Cuối đường đi dạo là một bức tượng phật lớn màu trắng. Đứng từ xa cũng có thể nhìn thấy bức tượng, biểu tượng tâm linh của Pleiku.

tượng phật lớn
Tượng Phật ở Biển Hồ T’Nưng

Một người đàn ông và một con thuyền độc mộc đang chăng lưới.

Những tia nắng mặt trời nhảy múa trên mặt nước quanh thuyền như dát bạc. 

Hình ảnh thanh bình của sự chung sống hài hòa với thiên nhiên.

Đánh cá trên biển hồ
Đánh cá trên Biển Hồ Pleiku

Nhưng còn một cách đi rất thú vị nữa là thăm Biển Hồ off-road. Theo cách này sẽ nhìn thấy được vẻ đẹp khác của Biển Hồ.

Đi men hồ dọc theo đường Tôn Đức Thắng rồi rẽ vào đường Hàn Thuyên. Từ đó rẽ vào đường đất chạy men biển hồ T’Nưng. Một bên là rừng thông rộng lớn và một bên là hồ.

Một số đoạn đã có rào chắn ngăn đường mòn và hồ. Đi sâu hơn vào rừng, thấy một con đường mòn dẫn xuống sát mặt nước. Mặt trời đang dần buông xuống mặt hồ đỏ ối. Những tia nắng xuyên qua tán lá dày. Dưới mặt đất là lớp lá vàng rơi dày.

rừng cây về chiều
Chiều buông trên rừng thông

Ven hồ có một túp lều nhỏ lợp tôn. Chủ nhân là một người thanh niên gầy nhỏ. Anh đang bận rộn đặt cần câu cá. Nhiều cần ở nhiều vị trí khác nhau.

Theo lời anh này nói thì cá hồ này lớn lắm. Hàng ngày anh phải câu tới 10 giờ tối mới về. Có hôm còn muộn hơn.

Loáng cái mặt trời đã lặn sâu xuống núi. Xa xa là một ngôi chùa đang xây. Từ chỗ chúng tôi đứng thấy tượng phật lớn màu trắng ở Biển Hồ.

Biển hồ khi chiều buông
Biển hồ khi chiều buông

Tiếp tục đi theo lối mòn xuyên rừng, chúng tôi men theo những rẫy cà phê lớn. Ven rừng đây đó có một vài ngôi mộ. 

Một vài xe máy nhá đèn đi hướng ngược lại. Những rẫy cà phê rộng lớn hai bên đường đang dần chìm vào đêm tối.

Đây đó, có thể thấy sự chuyển đổi của nhiều rẫy trồng cà phê thành loại hình Resort hay Bungalow. Người ta phá bỏ cà phê để thay vào đó bằng những căn nhà khung thép.

2.Cầu Sắt Biển Hồ

Thôn 4, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku

Cây cầu treo dài 20m, rộng 2.2m này bắc qua eo hẹp nhất của Biển Hồ.

Cầu làm từ cáp treo và lan can bằng sắt. Cầu lát gỗ ngang, hai bên có hai đường lề bằng sắt để cho xe qua thuận tiện. 

Một bên đầu cầu là nhà hàng Cà phê & Resort ven hồ Tin Tin Chill. 

Còn đầu bên kia là điểm check in tuyệt đẹp. Hai hàng đào hồng trồng bên bờ biển hồ đang nở hoa rực rỡ. Phía bên kia bờ hồ là những ngôi nhà một tầng mái xanh xinh xắn. Còn phía xa xa là núi xanh rì Chư Nâm. Đỉnh núi cao nhất của Gia Lai ở độ cao 1472m.

Trong phong cảnh thơ mộng đó chỉ có một điểm trừ là một ngôi nhà trắng ở ven hồ xây cao vọt lên phá vỡ cảnh quan tươi đẹp.

3.Thăm nghĩa trang liệt sỹ và mộ anh hùng Núp

Quốc lộ 19, phường Phù Đổng, TP. PLEIKU

biểu tượng hình nhà rông
Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Pleiku

Nghĩa trang liệt sỹ thành phố Pleiku nằm gần một doanh trại quân đội. Khu nghĩa trang rất rộng lớn, thoáng đãng và xanh sạch đẹp.

Những ngôi mộ san sát
Nghĩa trang liệt sỹ Pleiku

Ở đây có 11 khu mộ liệt sỹ, những người đã ngã xuống ở Pleiku trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Hơn 3600 ngôi mộ, nhưng gần 10% trong số này là mộ liệt sỹ vẫn chưa xác định được danh tính.

Khác với sự u tịch và biệt lập thường thấy của một nghĩa trang. Nghĩa trang liệt sỹ Pleiku giống như một công viên êm đềm. Những người dân và đi bộ, tập thể dục. Lũ trẻ con đạp xe quanh và tán chuyện vui vẻ.

Một tượng đài lớn hình nhà rông ở chính giữa nghĩa trang. Trên nóc có treo cờ tổ quốc phần phật bay. 

Gần tượng đài này là mộ anh hùng Núp. 

4.Sống ảo với hàng thông trăm tuổi

Hai hàng thông trăm tuổi

Thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai

Hàng thông ba lá trăm tuổi được trồng từ thời Pháp thuộc này là biểu tượng du lịch của Pleiku. 

Nơi đây luôn đông tấp nập các nhóm áo dài và đám cưới check in và sống ảo.

Tuy vậy, khi lên ảnh thì hàng thông ấn tượng nhất khi vắng vẻ. Hai hàng thông cổ thụ, lá giao vào nhau rất thơ mộng.

5.Ngắm màu xanh bát ngát của biển hồ chè

Thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai

Biển Hồ chè

Biển Hồ chè vẫn xanh như khi tôi tới đây hai năm trước chỉ khác ở chỗ có một quán Cà Phê sang chảnh kiểu Hàn Quốc mọc lên. Quán thu hút đông nam thanh nữ tú trẻ tuổi tới check in sống ảo.

6.Thăm Chùa Bửu Minh

Xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, Gia Lai

Tháp chùa Bửu Minh
Chùa Bửu Minh

Cuối hàng thông trăm tuổi là chùa Bửu Minh. Lịch sử của chùa có từ thời Pháp thuộc khi khu vực này là Sở Trà Biển Hồ. 

Ngày nay, một ngôi chùa mới xây trên nền ngôi chùa xưa.

Chùa có điểm đặc biệt là  hai hàng trụ đồng luân xa và tượng phật nằm rất lớn.

Tượng phật nằm

Ngôi chùa này dường như có quá nhiều điểm nhấn trong một không gian không lớn. 

Khi chúng tôi tới thăm, một gian mới của chùa vẫn còn đang xây dựng.

https://baogialai.com.vn/channel/742/202112/vong-xoay-an-lac-5759616/index.htm

7.Đường tới núi lửa Chư Đăng Ya 

Bò chăn thả trên đồng

Đường tới núi lửa Chư Đăng Ya đi qua mênh mông là ruộng lúa và rẫy cà phê, chuối, hồ tiêu….một cảnh thiên nhiên hoang sơ và đẹp tuyệt vời không bút nào tả hết. Những hàng cây dã quỳ vàng mọc dày hai bên đường. Những đàn bò đang gặm cỏ dưới chân núi. Từng đàn trâu vài chục con đi nghênh ngang giữa lòng đường. Một cô bé nhỏ thó, da đen cháy trông cả một đàn trâu. Chúng sợ quyền năng của bé.

Những đàn trâu bơi tren ruộng lúa

Đàn trâu bơi trên ruộng lúa dưới chân núi 

Mùa này người dân phơi cà phê và khoai đầy sân và dọc hai bên đường

Nhà thờ của Giáo xứ Tiên Sơn khang trang 

8.Đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya

Ngọn núi lửa này đã dừng phun trào từ hàng triệu năm. Ngày nay người dân làm nương rẫy ở trên núi lửa.

Từ xa, ngọn núi Chư Đăng Ya không quá ấn tượng, trông như một ngọn núi trọc đầu. 

Đường chính lên núi lửa có hai người dân phòng đứng gác và có dây chằng ngang không cho ai qua.

“vùng này có dịch nên không ai được đi lên núi lửa Chư Đăng Ya bằng con đường này”, họ giải thích.

Lên núi Chư Đăng Ya off-road

Con đường mòn lên núi lửa Chư Đăng Ya
Đường mòn lên núi lửa Chư Đăng Ya

Đi tiếp sẽ có một con đường mòn của người dân đi làm rẫy. Con đường đất này hẹp và rất khó đi. Nhiều đoạn phải xuống xe đi bộ. Một vùng thung lũng bao la, bao quanh là những ngọn núi. Chúng tôi gặp một, hai toán thanh niên dân tộc, ngồi trò chuyện dưới bóng cây. Họ niềm nở chào khách thăm.

Trèo lên đỉnh núi dốc đứng là sự thử thách với dân thành thị. Suốt cả đoạn đường, chúng tôi chỉ gặp hai cô gái nhỏ.

“sắp tới đỉnh núi rồi, chỉ cần qua một con dốc thẳng đứng nữa thôi”, các cô động viên rồi còn tặng chúng tôi một chai nước mát để có sức leo tiếp

Đúng là không có sự tiếp sức này thì chắc chúng tôi đã chào thua núi lửa Chư Đăng Ya. Cảm ơn các cô gái nhỏ tới từ Chư P’rông thật nhiều!

Leo lên đỉnh núi mệt thật nhưng phần thưởng thì thật xứng đáng. Từ đây có thể nhìn xuống ruộng nương dưới thung lũng. Ngắm bầu trời xanh từ rất gần và với tay lên những đám mây trắng 😊). 

Đây đó có tiếng lục lạc của đàn bò chăn thả tự nhiên trong thung lũng. Thật quá đỗi đẹp và thanh bình. Chúng tôi là những vị khách duy nhất trên đỉnh núi lửa vào ngày này.

Miệng núi lửa xưa nay trông hiền hòa như một tấm chiếu cói khổng lồ. Bao quanh tấm chiếu này là các mảnh màu đỏ bazan có gờ chạy song song, cân đối và vuông vắn.

Đó là những rẫy hoa màu. Một vẻ đẹp không camera nào tả được. 

Chúng tôi hạnh phúc vì thành tích chinh phục đỉnh Chư Đăng Ya ngày hôm nay.

Miệng núi lửa Chư Đăng Ya
Miệng núi lửa Chư Đăng Ya

9.Nhà thờ cổ Chư Đăng Ya

Phế tích nhà thờ cổ Chư Đăng Ya

Ở chân núi Chư Đăng Ya có một nhà thờ cổ. Di tích bị phá nát chỉ còn một bức tường. Nhà thờ cổ ở trong một cánh rừng xanh. Toàn bộ màu xanh này là phần thưởng cho những khách xa lặn lội tới đây là chúng tôi.

10.Nhà thờ cổ Pleichuet là nhà thờ thiên chúa giáo với kiến trúc đặc trưng Tây Nguyên

Đường Trương Định, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku.

Nhà thờ có hình nhà rông
Nhà thờ cổ Pleichuet

Đã bao giờ bạn thấy một nhà thờ có mái giống với nhà rông, trang trí bằng cồng chiêng; hay hình ảnh đức mẹ đồng trinh Maria trong trang phục dân tộc Tây Nguyên? nhà thờ Pleichet là sự hòa nhập tới từng chi tiết tôn giáo và bản sắc dân tộc Tây Nguyên.

Xem thêm các bài viết khác về Pleiku