Kurfurstendamm
hay còn gọi là khu “Ku’ Damm” là một trong những đại lộ sầm uất nhất của thủ đô Berlin. Dọc theo đại lộ dài 3.5 km này là những cửa hàng cửa hiệu bán đồ đắt tiền, nhà hát, quán ăn sầm uất. Đây là sự biến đổi ngoạn mục của một con đường mòn mà nhà vua và tùy tùng thường đi qua trong những lần đi săn ở khu rừng Grunewald ở phía đông Berlin. Người có công hô “biến” là thủ tướng Bismarck. Năm 1880, ông đã biến đổi hoàn toàn con đường mòn này thành đại lộ ngày nay.
Nhà thờ Kaiser Wilheim Memorial Church
trên đại lộ Kurfurstendamm, thường xuyên xuất hiện trên các tấm ảnh, bưu thiếp về Berlin, một trong những điểm được nhiều du khách tới thăm nhất Berlin.
Nhà thờ đã trở thành một biểu tượng của chiến tranh và hòa bình vì khi đi vào trong ta có thể thấy các bức tranh tường rất đẹp được gìn giữ từ khi nhà thờ được xây. Cũng trong khi đó, chóp cụt của nhà thờ và các phần bị hủy hoại lại nhắc tới sự tàn phá của chiến tranh và sự vô nghĩa của nó. Vì cái chóp cụt này mà tôi vẫn gọi là “nhà thờ cụt đầu”.
Nhà thờ này được khai trương năm 1895 để tưởng nhớ tới hoàng đế Wilhelm I. Trong những năm sau đó, đây là nơi được yêu thích để tổ chức các sự kiện âm nhạc, văn hóa, đám cưới, đám tang. Từ các bức tranh trên tường và trên trần nhà thờ có thể suy đoán ra sự huy hoàng của nhà thờ khi còn nguyên vẹn. Các bức tranh tường là những câu chuyện tôn giáo và lịch sử sống động trong màu sắc rực rỡ. Trên tường còn có những bức tranh tường kể về cuộc đời và sự nghiệp của vua Wilhelm I.
Kể từ khi được xây, nhà thờ đã chứng kiến nhiều cuộc đổi thay của lịch sử. Những năm cuối thế chiến thứ nhất 1918, hoàng gia thoái vị, đảng phát xít lên…những năm chiến tranh thế giới thứ hai 1939-1945. Trong những năm cuối cùng của chiến tranh thế giới thứ hai 1943-1945, phát xít Đức ở thế thua trận và quân đồng minh rải thảm Berlin với những trận không kích. Cuối năm 1943, lần đầu tiên nhà thờ bị trúng bom và bị tàn phá nặng đến nỗi không thể tiếp tục tổ chức các sự kiện tôn giáo trong nhà thờ. 1945, phần phía Tây của nhà thờ chỉ còn là đống gạch vụn.
Sau này, khi trùng tu nhà thờ, kiến trúc sư trưởng công trình đã quyết định giữ nguyên nhà thờ với cái chóp cụt của nó để nhắc nhở chiến tranh. Ông đã cho xây một tòa nhà mới để cho các sự kiện tôn giáo (khánh thành 1961) để người dân đi lễ theo phong cách rất hiện đại. Đặc biệt nhất là các ô kính màu xanh đậm của công trình. Phong cách kiến trúc rất hiện đại khác hẳn với các nhà thờ thiên chúa cổ điển thường theo các phong cách Baroque, Roman hay Gothic. Cá nhân tôi rất hiếm khi thấy một công trình tôn giáo với phong cách hiện đại như vậy.
Ngạc nhiên với các ô kính màu xanh đậm khác thường, tôi còn ấn tượng hơn nữa với ban thờ chúa và tượng chúa theo phong cách mới. Theo phong cách cổ điển, chúa Jesus thường được khắc họa đóng đinh trên thánh giá, sự sống đã từ bỏ cơ thể trần gầy gò. Mắt nhắm và cổ dường như không đỡ được đầu đang gục xuống. Còn ở đây, chúa khoác một chiếc áo choàng rộng, hai tay dang rộng thành hình thánh giá. Mắt mở nhìn xuống chúng sinh. Tác phẩm dường như toát ra năng lượng. Chúa dường như đang dang tay ra và đang bay lên. Khuôn mặt dài hình chữ nhật dường như có kích thước lớn hơn so với các tỷ lệ thông thường.
Một cuộc trùng tu lớn khác kéo dài năm năm từ 2010-2015 làm rất kỹ lưỡng với kinh phí lên tới 4.3 triệu Euro huy động từ các nguồn tài chính khác nhau. Từ năm 2015, công trình mở cửa cho công chúng tới thăm.
Dịp Noel, ở nhà thờ có hội chợ Noel. Nơi đây cũng chính là nơi xảy ra vụ khủng bố thảm khốc Noel năm 2016 khi mà một chiếc xe tải lao vào đoàn người đi chợ Noel. Sau vụ này, các khối bê tông xấu xí này được dựng lên để chặn xe lao vào. Nhiều người quan ngại về thái độ của người dân Berlin với người nước ngoài sẽ thay đổi theo hướng xấu đi. Bản thân tôi không cảm thấy điều đó khi tới thăm Berlin 1 năm sau đó. Những người dân Berlin vẫn lịch sự, thân thiện tuy luôn giữ một thái độ chừng mực như mọi khi. Berlin, những ngày cuối tháng 12/2017.
Tham khảo: Germany, Michelin Apa Publication Ltd., 2009