thuyền buồm trắng trên hồ

Geneva giàu sang, lịch lãm và quốc tế

Geneva ở vị trí gần Pháp. Thành phố này là một đô thị thanh lịch, giàu sang và rất quốc tế.

Chúng tôi tới Geneva tầm 3 giờ chiều. Hôm đó là một ngày thời tiết rất đẹp. Nắng nhẹ vàng hoe trên thành phố. Thỉnh thoảng một làn gió mát lại thổi qua mang theo không khí thoáng đãng.

Khách sạn chúng tôi ở rất giản dị, được cái vị trí rất tốt. Ở ngay gần hồ Geneva (hay còn gọi là hồ Leman), điểm hấp dẫn du khách hàng đầu ở thành phố này. Nhận phòng khách sạn xong, chúng tôi đi ra bờ hồ. Có thể thả bộ vòng quanh để thăm các điểm du lịch của Geneva.

tượng nhân sư trong phố
Gặp tác phẩm Nhân sư này ở Geneva cũng là một điều thú vị

Hồ Leman

Mặt hồ trong xanh phẳng lặng
Hồ Leman trong xanh phẳng lặng

Mặt hồ mênh mông và phẳng lặng. Đây đó có những mỏm đá nhô lên từ mặt nước. Đây có vẻ là thiên đường của những chú thiên nga trắng, vịt trời và chim hải âu.

Hải âu đậu trên phiến đá trên hồ Leman
Một điều lý thú là trên mặt hồ Leman nổi lên một vài phiến đá lớn. Những giây xích sắt hẳn để neo thuyền. Những chú chim hải âu bèn lấy phiến đã làm nơi nghỉ ngơi. Hình ảnh những chú chim nhỏ này làm cho phong cảnh trở nên rất thanh bình

Trên mặt hồ, có rất nhiều thuyền buồm neo đậu. Đây đó, có những chiếc thuyền buồm trắng phau no gió. Phăng phăng xuôi ngược là những chiếc thuyền màu vàng chở khách du lịch.

Thuyền màu vàng trên hồ xanh
Những chiếc thuyền màu vàng chở khách du lịch trên hồ Leman

Đi dạo quanh bờ hồ có nhiều du khách quốc tế. Họ cũng giống chúng tôi, không thể không ra hồ Leman ngắm cảnh. Quanh hồ trang trí nhiều loài hoa bình dị mà tôi không biết tên, cỏ papyrus, và cả hoa hướng dương. Tôi có một ấn tượng là người dân ở đây yêu hoa cỏ. Không cần phải là loài hoa hiếm đắt tiền đâu. Toàn bộ cỏ cây đều quý và được chăm sóc nâng niu.

bụi hoa đỏ ven hồ
Xung quanh hồ Leman trồng rất nhiều hoa. Những loại hoa mà ở ta coi là bình dân thì ở đây đều có “vị trí” và được nâng niu. Bụi hoa đỏ này và bụi parirus tự hào trang điểm hồ nước nổi tiếng này.

Phía bên phải con đường ven hồ là một công viên xanh, có bãi cỏ rộng và những bức tượng đặt rải rác. Nhiều người ngồi chơi trên bãi cỏ. Họ đọc sách, trò chuyện, phơi nắng, tập yoga ….

một cô gái trồng cây chuối
Cô gái trẻ này đang trồng cây chuối. Cô thật là tài tình. Vậy mà anh chàng ngồi bên cạnh lại thả hồn đâu đâu :-)))

Người ngồi trên bãi cỏ sưởi nắng khá đông. Quanh bãi cỏ đặt những chiếc ghế gỗ dài. Đây đó một vài người ngồi chăm chú đọc sách trên những chiếc ghế này.

Những bức tượng ấn tượng ven hồ Leman

Brunswick monument[1] là một công trình đáng chú ý. Công trình mang tên nhà quý tộc Brunswick. Người đã để lại toàn bộ tài sản kếch xù của mình cho thành phố Geneva. Ông chỉ có một điều kiện duy nhất là thành phố cho dựng một đài tưởng niệm mang tên ông. Cũng là một ý tưởng hay cho những người muốn lưu danh hậu thế. 🙂 

một tượng đài
Tượng đài Brunswick ven hồ Leman.

Đồng hồ hoa độc đáo

Trong công viên còn có một chiếc đồng hồ toàn bằng hoa cỏ rất ấn tượng và sáng tạo.

đồng hồ khổng lồ từ hoa cỏ
Đồng hồ hoa ở công viên hồ Leman. Thụy Sĩ tự hào về những chiếc đồng hồ tinh xảo và cả đồng hồ khổng lồ tết hoa. Sau này tôi cũng gặp một chiếc đồng hồ khổng lồ tương tự ở Zurich

Jet d’Eau

Tới thăm hồ Leman mà chưa xem Jet d’Eau thì chưa đầy đủ.

Jet d’Eau là cột nước nhân tạo có khả năng phun cao nhất thế giới (500 lít nước một giây và lên cao tới 140m). Đứng ở hầu hết các vị trí tại Geneva cũng có thể thấy Jet d’Eau khi phun.

Chúng tôi tới thăm quan vào buổi tối khi thành phố đã lên đèn. Đằng sau tấm rèm nước khổng lồ là những ánh đèn màu. Thật thú vị.

cột nước phun cao
.Jet’au ven hồ Leman là biểu tượng về sự giàu sang và năng động của thành phố

Trụ sở UN tại Geneva

Là một trong những thành phố quốc tế nhất thế giới, Geneva được chọn làm nơi UN đặt trụ sở. Ngoài ra, nơi đây còn có rất nhiều các đại sứ quán và khu ngoại giao. Công dân Geneva có tầm 200.000 người. Có tới một phần ba dân số đó là người nước ngoài. Có cảm giác như ở đây người ta bàn luận bằng mọi ngôn ngữ. Một cảm giác thật sự quốc tế.

hai hàng cờ quốc tế
Hai hàng cờ từ các nước trên thế giới

Trụ sở UN (Address: 14, avenue de la Paix, Geneva) nằm ở bến cuối của tàu điện cổ số 15. Từ khách sạn, chúng tôi bắt tàu điện đi thẳng tới bến cuối. Trước khi tới UN, có thể thấy UNHCR (the UN Refugee Agency) ở bên trái đường. Trụ sở của UN nằm trên một khu đất rất rộng.

Trước cổng vào có một chiếc ghế khổng lồ nhưng chỉ có một chân. Chiếc ghế này là biểu tượng chống lại mìn do hội những người tàn tật phát động. Dân thường và khách du lịch được phép vào trong xem nhưng cần đeo thẻ. Thẻ được phát ở cổng cách đó 500 mét.

biểu tượng một chiếc ghế
Biểu tượng chiếc ghế ở trụ sở của UN ở Geneva là khẩu hiệu không lời chống tội ác bom mìn

Khu vườn thực vật

những bông hoa nhỏ màu đỏ
Mỗi bông hoa là một chiếc đèn lồng treo ngược

Từ trụ sở UN, chúng tôi đi bộ tới vườn thực vật. Khu vườn là một bộ sưu tập thực vật gắn với tên tuổi của Rousseau. Nhiều loại cây rất bình thường ở VN ta được nuôi trồng trong nhà kính ở đây. Dâm bụt, rong riềng, rẻ quạt, lựu được vô cùng trân quý ở Thụy Sĩ. Tình yêu của người dân Thụy Sĩ đối với cây cỏ thiên nhiên có thể thấy mọi lúc, mọi nơi.

Nhà thờ Saint Pierre

nhà thờ
nhà thờ St Pierre ở Geneva là nhà thờ tin lành có phong cách trang trí giản dị nhưng ấn tượng. Những hàng ghế băng dài bằng gỗ cho thấy số lương tín đồ đông đảo của nhà thờ.

Điểm đến tiếp theo là nhà thờ Saint Pierre ở khu trung tâm. Nhà thờ trang trí nội thất giản dị với những ghế gỗ dài. Những cây đèn nến ở trên cao.

Từ trên đỉnh nhà thờ Saint Pierre có thể nhìn thấy Jet'au
Từ trên đỉnh nhà thờ Saint Pierre có thể nhìn thấy Jet’au

Đã tới đây thì không thể bỏ qua việc lên đỉnh tháp chuông để nhìn ra toàn cảnh thành phố. Những bức ảnh chụp Jet d’Eau từ tháp chuông nhà thờ này rất là ấn tượng. Cần có vé để lên trên cao.! 🙂 

Geneva thành phố giàu sang, lịch lãm và ấn tượng là thành phố không ngủ. Trong thời gian ở đây, chúng tôi đã kịp có những tấm ảnh đáng nhớ về Geneva chuyển động 24 giờ

[1] “Brunswick Monument – Wikipedia.” https://en.wikipedia.org/wiki/Brunswick_Monument. Accessed 30 Mar. 2021.