DRESDEN cổ kính và đài các bên dòng sông Elber

Dresden

Dresden cổ kính bên sông Elbe

Nếu bạn tới Berlin và có một ngày để đi thăm các nơi khác, Dresden sẽ là một lựa chọn lý tưởng. Đi tàu nhanh từ Berlin tới Dresden mất khoảng 2 tiếng đồng hồ. Trên đường đi, bạn sẽ có cơ hội ngắm cảnh đồng quê vào buổi sáng tinh mơ. Tàu nhanh chạy vun vút qua những cánh đồng xanh mướt, những rừng cây bạch dương thân nhỏ là kim thẳng tắp, lác đác những mái nhà một tầng ngói đỏ, những cột điện gió xa xa. Bình minh với những tia năng đầu tiên và mặt trời dâng dần lên đỏ ối.

Dresden, thủ phủ của bang Saxony, được ví là Florence trên dòng sông Elbe của nước Đức. Florence của nước Ý phát triển cực thịnh vào thời kỳ phục hưng (thế kỷ 14-16) còn Florence của nước Đức vào thế kỷ thứ 18 dưới thời trị vì của vua “August the strong” và con trai. Nhà vua, hoàng tử nối dõi và những quý tộc yêu nghệ thuật của bang này đã biến nơi đây thành trung tâm văn hóa và nghệ thuật. Bảo tàng nghệ thuật của Dresden xếp hạng top ở châu Âu.

Thật không may cho thành phố đẹp tuyệt này là dưới thời chiến tranh thế giới thứ hai, một trận bom rải thảm của quân đồng minh phá hủy 3/4 thành phố và gây ra cái chết của hơn 30.000 người. Chỉ trong phút chốc, trận bom rải thảm đã biến những công trình được dày công đầu tư hàng thế kỷ thành tro bụi. Những năm tiếp theo dưới thời đông Đức, thành phố hầu như bị lãng quên do thiếu đầu tư. Sau khi nước Đức thống nhất, Dresden dần lấy lại phong độ. Những công trình được trùng tu, xây mới với sự hỗ trợ tài chính của các quỹ văn hóa trên toàn thế giới.

Giống như một vài thành phố khác của Châu Âu ví dụ Budapest, Dresden được chia đôi bởi một dòng sông (Elbe). Phía nam sông Elber là khu phố “cổ”, phía bắc sông Elbe là khu phố mới. Nói là “cổ” nhưng toàn bộ khu phố này được phục dựng sau chiến tranh thế giới thứ hai giỏi tới mức dường như chưa bao giờ có trận bom tàn phá, chưa bao giờ từng có việc khu phố này chỉ còn những cột bê tông, gạch vụn bốc khói sau trận bom. Để nhắc nhở tới thảm họa này, trước cửa nhà thờ Kreuzkirke có trưng bày một mảng tường lớn của nhà thờ sau trận ném bom.

Dresden

Khách du lịch tới thăm khu phố cổ rất đông để chiêm ngưỡng vẻ hào quang của một thời hoa lệ.

Quảng trường thành phố đã chuẩn bị cho phiên chợ giáng sinh truyền thống. Chợ Giáng Sinh ở Dresden nổi tiếng toàn châu Âu về sự lâu đời và phong cách trang trí đầy sáng tạo và nghệ thuật.

Chợ Noel ở Dresden

Frauenkirche (the church of our lady) với tượng Martin Luther ở phía trước. Sau chiến tranh, nhà thờ này vẫn còn tiếp tục nằm trong hoang tàn trong thời kỳ Đông Đức. Nhà thờ mở cửa trở lại vào năm 2005.

Nhà thờ Frauenkirche ở Dresden

Zwinger là một lâu đài cổ theo phong cách Baroque do vua “August the Strong” cho xây dựng (1711-1728). Sau khi bị tàn phá nặng nề năm 1945, Zwinger được xây dựng lại rất thành công, “trông như cũ”. Ngày nay Zwinger là nơi đặt bảo tàng nghệ thuật của Dresden. Bảo tàng này rất có uy tín trên toàn châu Âu và lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật thế kỷ 17-18.  Đánh chú ý là những bức  tranh gốm trên tường dọc theo phố ngắn tới Zwinger. Các bức họa công phu vẽ trên 24000 mảnh gốm Messen về các đời vua cai trị vùng Saxon từ năm 1123-1904.

Tranh tường ở Dresden

Có thể mua vé xem một lúc ba bảo tàng là bảo tàng Nghệ thuật Dresden, Bảo tàng gốm sứ gồm bộ sưu tập gốm sứ châu Á của hoàng đế “August the strong” và bảo tàng “toán và vật lý”.

  • Bảo tàng nghệ thuật đặc biệt giàu tác phẩm nghệ thuật, bạn hãy dành 2-3 tiếng cho bảo tàng này.
  • Bảo tàng gốm sứ trưng bày các hiện vật đẹp hiếm có. Gốm sứ được phát kiến ra tại Trung Quốc. Đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản rất được giới thượng lưu các nước Châu Âu ưa chuộng. Các vị hoàng đế sưu tầm gốm sứ nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau này, các nghệ nhân Đức đã mày mò tìm ra cách sản xuất gốm sứ. Sau đó cơn sốt sưu tầm gốm sứ châu Á từ từ hạ nhiệt nhưng chưa bao giờ hết hẳn.
  • Bảo tàng toán và vật lý của nhà vua “August the strong” cũng rất đáng chú ý. Nhà vua không chỉ am tường nghệ thuật. Ông còn tinh thông khoa học. Từ ngày xưa nhà vua đã dùng những công cụ địa trắc để tự quản lý đất đai của mình. Ông say mê tìm hiểu hệ mặt trời và thiên văn học. Đồng hồ dùng tia sáng mặt trời, các thiết bị đo diện tích đất đai, kính thiên văn học…. Bộ sưu tập phản ánh trình độ khoa học của Đức thời bấy giờ. Chiêm tinh học, toán học đã rất phát triển làm nền móng cho cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật sau này./.122017
  • Tham khảo: Germany, Michelin Apa Publication Ltd., 2009